Chuyện là, hôm qua, 13-1-2021, chúng tôi làm việc tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam đúng lúc có đoàn của cô Quy lên thăm Công viên. Như cô chia sẻ, cô hiếm khi lắm mới ra Hà Nội. Ấy vậy mà, đây là lần thứ hai cô có mặt trên mảnh đất Cao Phong, Hòa Bình này. Và năm qua, nếu không vì covid thì cô và đại gia đình các con cháu đã lên đây.
Tham quan kho tư liệu của Trung tâm tại tòa nhà Quyển sách
Nhớ lại những ngày làm việc với GS.TS Nguyễn Ngọc Giao từ năm 2017, nhóm nghiên cứu viên đã từng đến tận nhà và nhiều lần trò chuyện với Thầy qua điện thoại. Trong lễ tiếp nhận hơn 1500 đơn vị tài liệu, hiện vật của Thầy, cô Quy nền nã và nhẹ nhàng đứng cạnh Thầy. Ngày nghe tin dữ Thầy đột ngột ra đi vì ung thư, chúng tôi bàng hoàng. Tôi chần chừ rồi quyết định gọi vào số điện thoại của Thầy. Ở đầu dây bên kia, tiếng cô Quy vang lên. Cô khóc… Tôi lặng đi một hồi, vì chính tôi, đêm trước vừa viết bài tưởng nhớ Thầy Giao vừa khóc.
Phu nhân cố GS.TS Nguyễn Ngọc Giao chụp kỷ niệm cùng PGĐ Trung tâm Di sản – TS Nguyễn Thanh Hóa
Thấm thoắt, chỉ còn vài ngày nữa là tròn hai năm ngày mất của Thầy. Đó cũng chính là lí do cô Quy vượt hàng nghìn cây số để chiêm ngưỡng lại những kỷ vật, tài liệu thân thương của chồng. Giây phút chia tay cô, cô ôm chúng tôi thật chặt như gửi gắm tất cả niềm tin nơi chúng tôi. Mới tiếp xúc với cô đôi lần mà cảm giác cô cháu có sợi dây gắn kết như người trong một nhà. Cô đeo kính râm nhưng tôi hiểu ánh mắt ấy đang trực trào nỗi nhớ Thầy.
Nếu có cánh cửa thần kỳ, bất cứ lúc nào muốn, cô Quy sẽ đến được ngay với những di sản của Thầy, không cần lặn lội xa xôi nữa. Trách nhiệm lưu giữ, phát huy giá trị di sản của Thầy Giao giờ đã là trách nhiệm của chúng tôi ở Công viên này.
Bích Hạnh