Năm 1966, trước tình hình không quân Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc ngày càng ác liệt, khoa Lịch sử, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội phải sơ tán về xã Vạn Thọ, Đại Từ, Thái Nguyên. Nguyễn Văn Hàm là sinh viên khóa 8, khoa Sử cùng 31 bạn trong lớp về sơ tán trong xóm Trại Chuối. Cuộc sống nơi sơ tán còn khó khăn nhưng mọi người vẫn đùm bọc và giúp đỡ nhau cùng vượt qua. PGS Nguyễn Văn Hàm tâm sự: “Có những tháng phải ăn toàn mỳ vì gạo chưa chuyển lên tới nơi sơ tán”. Hàng ngày, lớp cử hai người đến bếp ăn tập thể lấy mỳ luộc và một nồi canh rau rừng. Mỳ gạo để lâu rất nhiều mọt nhưng mọi người đều ăn ngon lành. Để cải thiện bữa ăn, Lớp phó phụ trách hậu cần Nguyễn Xuân Thanh đã mua con cá măng hơn 2kg về nấu. Nhưng nấu cá thành món gì để chia đều cho cả 32 bạn trong lớp? Đó là câu hỏi đặt ra cho mọi người thảo luận. Gạo không có nên cuối cùng mọi người thống nhất nấu món cháo cá sắn. Sắn mua của đồng bào, gọt vỏ rồi cho cùng cá vào nồi gang chuyên nấu cám lợn đã được đánh rửa kỹ càng. Muối cũng là thứ quý giá nên phải cử người xuống nhà ăn tập thể xin của cấp dưỡng. Hầm khoảng 2 tiếng, bạn Thanh cầm đôi đũa nhấc bộ xương cá ra rồi mới múc cháo chia đều mỗi người một bát, ai cũng no nê.
Sinh viên Nguyễn Văn Hàm, khoảng năm 1966-1967
Câu chuyện đã lùi vào quá khứ hơn 50 năm, cuộc sống giờ đây đã đầy đủ vật chất lẫn tinh thần nhưng đối với PGS Nguyễn Văn Hàm ký ức về những ngày sơ tán và cảm giác sung sướng khi lâu rồi mới được một bữa ăn no vẫn đọng lại mãi.
Ngô Văn Hiển