Về miền ký ức

PGS Lê Sỹ Toàn có 20 năm phục vụ thương bệnh binh ở chiến trường từ chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), mặt trận Thừa Thiên Huế (1954-1956), đặc biệt ông có tới 14 năm công tác tại chiến trường C (Lào). Những lá thư viết vội, hay những món quà giản dị từ chiến trường gửi về cho gia đình đã được vợ ông- dược sĩ Nguyễn Kỳ Minh Phượng – cất giữ cẩn thận. Một phần những kỷ vật quý giá ấy ông bà đã tặng lại cho Trung tâm Di sản lưu giữ. Hôm nay, PGS Lê Sỹ Toàn cùng vợ và con gái đã được ngắm lại những kỷ vật ấy như chiếc võng dù pháo sáng… trong kho lưu trữ. Ông nói vui: “Phải về sắp xếp, trao tặng toàn bộ bản thảo những cuốn sách của tôi và bà viết cho Trung tâm chứ không mai này lại mất chỗ”.

PGS Lê Sỹ Toàn và vợ – Dược sĩ Nguyễn Kỳ Minh Phượng trước tòa nhà Quyển sách

PGS Lê Sỹ Toàn cũng được đọc lại những dòng thư của mình viết về cho gia đình. Ông đặc biệt xúc động trước mô hình bệnh viện trong hang đá được tái hiện lại tại triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”. Bệnh viện dã chiến được chính ông và cộng sự xây dựng trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt ở chiến trường Lào, lúc cao điểm có thể thu nạp hàng ngàn thương bệnh binh. Ông tâm sự: “Với hàng ngàn chiến sĩ bị thương, chúng tôi phải thật sự nhanh chóng để cứu chữa kịp thời, các thao tác phải nhanh, phải chuẩn nhưng cũng phải khéo léo vì thời gian đó khó khăn lắm, dụng cụ y tế không thực sự đầy đủ nên phải luôn sáng tạo mới có bệnh viện trong hang đá này đấy”.

Gia đình PGS Lê Sỹ Toàn chụp ảnh lưu niệm cùng Ban lãnh đạo MEDDOM

Chia tay chúng tôi ông và gia đình đều hẹn một ngày gần nhất vào những tháng hè sẽ quay trở lại thăm Công viên và ở lại dài hơn để tiếp tục kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cảm động về miền ký ức chiến trường không thể nào quên.

Thùy Trang