Chuyến đi đặc biệt này có sự tham gia của nhiều nhà khoa học: TSKH Nguyễn Biểu (nguyên Giám đốc Trung tâm Địa chất khoáng sản biển), gia đình GS.TS Phan Văn Hạp (nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), gia đình GS Phùng Hồ (nguyên giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) và PGS.TSKH Kiều Thị Xin (nguyên Cán bộ giảng dạy Khoa Khí tượng, Thủy văn và Hải dương học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội)…
Trong hai ngày, đoàn đã tham quan nhiều điểm, khu du lịch, mỗi một điểm đến lại có những trải nghiệm và sự hấp dẫn riêng. Tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, các thành viên trong đoàn thêm hiểu hơn về phong tục tập quán, nếp sinh hoạt đến sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực của 54 dân tộc anh em. Dù nhiều thành viên tuổi đã cao (thành viên ít tuổi nhất hơn 50 tuổi, cao tuổi nhất trên 80 tuổi) nhưng trong chuyến đi họ luôn tràn đầy năng lượng, vui vẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm: nhảy sạp, thổi khèn, giao lưu với đồng bào…
GS Phùng Hồ trải nghiệm một lần múa khèn
Điểm đến tại Không gian Văn hóa Mường lại mang lại một màu sắc riêng biệt, mang những nét đặc trưng về về lịch sử và văn hóa của đồng bào Mường Hòa Bình. Đoàn vô cùng thích thú với văn hóa Mường, đặc biệt là ẩm thực, khi được thưởng thức những món ăn đặc trưng của xứ Mường ngay tại không gian nhà sàn Tây Bắc.
Đoàn tham quan điểm du lịch tâm linh Đền Bồng Lai – Núi Đầu Rồng
Ngày thứ 2 trong tour du lịch về với Công viên Di sản, đoàn tới tham quan khu du lịch tâm linh Đền Bồng Lai – Núi Đầu Rồng. Nét đẹp của ngôi đền thờ Mẫu Thượng ngàn và hệ thống hang động của núi Đầu Rồng đã làm những thành viên trong đoàn bất ngờ. TS Phạm Văn Hùng (giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội) khẳng định: “Trong số nhiều hang động tôi đã từng tới tại miền Bắc, thì núi Đầu Rồng là một trong những nơi có hang động đá vôi đẹp nhất”.
Mặc dù mỗi điểm đến trong hành trình 2 ngày 1 đêm đều có những nét hấp dẫn riêng, nhưng theo chia sẻ của các thành viên đoàn tham quan, nơi đặc biệt và thu hút nhất chính là Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Từ cảnh quan tươi đẹp, đến những giá trị vô giá của các nhà khoa học đang được lưu trữ tại tòa nhà Quyển sách, đều để lại trong đoàn những ấn tượng sâu đậm.
Tòa nhà Quyển sách, nơi lưu giữ di sản của các nhà khoa học Việt Nam
Họ được gặp lại những tên tuổi lớn của khoa học Việt Nam qua những kỷ vật, những công trình khoa học tại các trưng bày – triển lãm. Họ xúc động, hồi tưởng lại những khó khăn của chính mình đã từng trải qua khi ngắm nhìn những hiện vật xưa cũ. Đặc biệt, trong đoàn có nhiều nhà khoa học đang có tài liệu hiện vật được lưu giữ tại Công viên Di sản, chuyến đi này cũng là dịp họ thêm yên tâm khi đã trao tặng những kỷ vật cuộc đời cho Trung tâm Di sản. Trong đoàn nhiều thành viên mới được tham quan Công viên Di sản lần đầu tiên, nhưng cũng có những thành viên đã lên tham quan công viên nhiều lần, với họ mỗi lần đến với nơi đây lại có những cảm xúc khác nhau: “Lần này đến với Công viên Di sản , thấy công viên khác quá, đẹp quá” – PGS.TSKH Kiều Thị Xin chia sẻ.
Xin trích lại đôi dòng lưu bút của một thành viên trong đoàn – PGS. TS Nguyễn Thị Ngọc Quyên (Trưởng phòng quản lý tổng hợp – Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng của con người), thay cho lời kết: “Trải qua hai ngày tham quan, du lịch chúng tôi cảm thấy rất vui vẻ, hạnh phúc. Cảnh đẹp nên thơ, giá trị lịch sử – văn hóa rất đáng trân quý. Tại Công viên Di sản của các nhà khoa học tôi được sống lại cùng những người thầy, những nhà bác học đã cống hiến cả đời mình cho khoa học. Tôi được gặp lại những hình ảnh thân thương, được đọc tên của những người vĩ đại. Thật tự hào! Vô cùng cảm ơn người đã sáng lập Công viên Di sản”.
Bùi Minh Đức