Khó khăn, gian nan không nhụt chí

Quan niệm này được thể hiện rõ qua việc GS Trần Hồng Uy quyết tâm đi theo con đường chọn tạo giống ngô lai. Năm 1972, sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ở Rumani về nước, PTS Trần Hồng Uy được phân công về làm việc tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Tại Viện, diễn ra cuộc tranh luận rằng Việt Nam có thể chọn tạo giống ngô lai được hay không. Bởi trước đó, chuyên gia Rumani và Bulgarie đã sang giúp chọn tạo ngô lai nhưng chưa thành công do không hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Theo gợi ý của Viện trưởng Lương Định Của, ông lên Trại Nghiên cứu Ngô sông Bôi* ở xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình làm việc để chứng minh quan điểm Việt Nam có thể chọn tạo giống ngô lai của mình.

Bà Trương Thị Kim Dung – vợ cố GS .TSKH Trần Hồng Uy trao tặng tài liệu cho Trung tâm

Thuở đó, Trại chỉ có một vài căn nhà tranh làm chỗ ở cho cán bộ. Mọi người phải dùng ngô phế phẩm để nuôi lợn, nuôi gà rồi săn bắn nhằm cải thiện cuộc sống. Khó khăn là vậy nhưng vẫn không làm lung lay quyết tâm nghiên cứu của PTS Trần Hồng Uy và đồng nghiệp. Nhóm nghiên cứu thu thập nguồn gen ngô trong nước, cho thụ phấn tự do để tạo giống ngô thuần và từ đó chọn tạo giống ngô lai. Với sự quyết tâm, trong giai đoạn 1973-1983, nhóm đã tạo và đưa vào sản xuất 13 giống ngô bằng cách thụ phấn tự do: TH2A, TH2B, TSB-1, TSB-2… Sau năm 1993, GS Trần Hồng Uy chủ trì chương trình chọn tạo ngô lai, tạo ra hàng loạt giống ngô lai có chất lượng tốt như LVN-4, LVN-5, LVN-10,… đạt năng suất 7-12 tấn/ha.

Tại buổi làm việc, bà Trương Thị Kim Dung – vợ GS Uy đã trao tặng Trung tâm hơn 50 tài liệu hiện vật liên quan đến quá trình chọn tạo giống ngô lai của GS Trần Hồng Uy.

Lê Thị Lợi