Người được chọn

PGS Phạm Kim bắt đầu tìm hiểu về trẻ điếc câm kể từ khi “trượt” bảo vệ luận án phó tiến sĩ về thanh học ở Tiệp Khắc vì GS Seeman đột quỵ không thể tiếp tục hướng dẫn luận án. Nhưng trước khi về nước (cuối 1970), ông đã kịp thực hiện kế hoạch 2: xin thực tập tại các trường dành cho trẻ câm điếc ở thủ đô Praha.

BS Phạm Kim dạy học sinh nhận thức bằng mắt hình miệng khi phát âm kèm với sử dụng máy khuếch đại cá nhân

Năm 1971, bằng ảnh hưởng của GS Trần Hữu Tước, Việt Nam được các tổ chức quốc tế ở Pháp, Thụy Sỹ viện trợ, giúp đỡ xây dựng 10 trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ điếc. Với những kiến thức về điếc ở trẻ em học được trong thời gian ở Tiệp Khắc, BS Phạm Kim nhanh chóng được GS Trần Hữu Tước giao phụ trách vấn đề này. Kể từ đó ông tập trung nghiên cứu về trẻ điếc và đạt được những kết quả hết sức quan trọng, điều đó được minh chứng qua hàng trăm bài nghiên cứu đăng trên các báo, tạp chí và Nội san nghiên cứu Tai Mũi Họng. Đặc biệt sau 10 năm nghiên cứu, BS Phạm Kim đã tổng hợp và viết cuốn sách chuyên đề “Vấn đề phục hồi chức năng cho người điếc” (Nxb Y học Hà Nội, 1984) được GS Trần Hữu Tước đánh giá là đóng góp tích cực vào sự nghiệp bước đầu của phục hồi chức năng nghe cho các em nhỏ ở Việt Nam.

BS Phạm Kim dạy cấu âm qua qua hệ thống khuếch đại tập thể của máy B29

GS Trần Hữu Tước đã đặt trọn niềm tin vào BS Phạm Kim và ông đã không phụ lòng thầy khi trở thành chuyên gia hàng đầu trong vấn đề phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm, giúp các em nhỏ điếc câm giảm đi những tật nguyền đau khổ.

Nhật Minh