Ngày 14-1-1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra lời tuyên bố cùng chính phủ các nước trên thế giới, nhấn mạnh việc Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, để cùng nhau xây dựng hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới. Trung Quốc là nước đầu tiên công nhận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 18-1-1950. Ngay sau đó, Nhà nước đã chủ trương cử một đoàn cán bộ sang học tập tại Trung Quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và trò chuyện với đoàn cán bộ được cử đi Trung Quốc khi đang học
chỉnh huấn tại Việt Bắc, 1950
Theo GS Nguyễn Phúc Trí, đoàn có khoảng 200 người là cán bộ nam trẻ tuổi, đến từ nhiều địa phương từ Bình Trị Thiên trở ra. Mỗi người một hoàn cảnh, trình độ văn hóa… nhưng tất cả đều đang hăng hái muốn cống hiến cho đất nước. Trước khi sang Trung Quốc, họ tập trung tại trường Trần Phú ở Phủ Thông (Bắc Kạn) học chỉnh huấn và có dịp gặp Bác Hồ. Đến nay, GS Nguyễn Phúc Trí vẫn nhớ như in mấy điều Bác dặn trước khi sang Trung Quốc. Ông kể: Bấy giờ có khái niệm du học sinh, Bác cho rằng không nên gọi như thế vì “du” có nghĩa là du ngoạn, đi chơi. Các cháu được Nhà nước cử đi ra nước ngoài học tập chứ không phải đi chơi. Nghe có bạn phát biểu sẽ cố gắng học tập và tuyên truyền, Bác bảo, các cháu không cần tuyên truyền gì cả, cố gắng học tập tốt cũng là tuyên truyền rồi. Bác mong các cháu đoàn kết, giúp đỡ nhau học tập, để có sự thành công của tập thể chứ không phải thành công của các cá nhân. Sau đó có người mang cho Bác cốc cà phê, Bác vui vẻ nhận và nói rằng: À! Hôm nay Bác lao động có hưởng nhé! Tất cả những lời dặn và hành động cụ thể đó khắc sâu vào tâm trí mỗi người như kim chỉ nam trong suốt quá trình học tập ở nước bạn.
Kết thúc khóa học chỉnh huấn tại Việt Bắc, tháng 5-1950, đoàn di chuyển sang Trung Quốc. Sau mấy tháng học tiếng ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, đoàn được chia làm nhiều nhóm, người được đào tạo về hậu cần, người học hỏa xa, đầu máy toa xe… Nhóm Nguyễn Phúc Trí và 18 bạn khác học ngành Cầu hầm tại Học viện Giao thông Đường Sơn (nay là Đại học Giao thông Tây Nam). Đầu năm 1954, họ trở về, tham gia ngay vào công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước. Đa số đều là cán bộ chất lượng, vững chuyên môn, nhiều người trở thành cán bộ chủ chốt, đầu ngành của Cục Kiến thiết cơ bản, Tổng cục Đường sắt rồi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng…
Nguyễn Điệp