Bức ảnh gia đình đặc biệt

Đầu tháng 1-1973, khi đang là Phó ban xung kích chống địch ném bom phá đê và cầu Thị Cầu của tỉnh Hà Bắc, cùng sinh viên trường ĐH Thủy lợi, Nguyễn Thúc Tuyên được lệnh khẩn cấp về Bộ Thủy lợi nhận nhiệm vụ mới. Bàn giao xong công việc đã gần trưa, Nguyễn Thúc Tuyên chỉ kịp ghé qua nơi sơ tán ở Thượng Lan (Hà Bắc) để từ biệt vợ và hai con nhỏ rồi vội vã đạp xe về Hà Nội. Đến Bộ Thủy lợi, ông được giới thiệu sang Ban Tổ chức Trung ương, rồi về Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam để trực tiếp nhận nhiệm vụ. Lúc này, ông mới biết được điều động làm phiên dịch tham gia phái đoàn của Ban liên hợp Quân sự bốn bên giám sát thực hiện Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết. Hai phái đoàn quân sự của ta (Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam) cũng khẩn trương hoàn thành các nội dung huấn luyện ở khu Văn Công (Cầu Giấy), rồi nhanh chóng di chuyển ra sân bay Gia Lâm đợi máy bay vận tải C130 của Mỹ bay ra đón theo thỏa thuận. Chuyến bay thứ nhất, phía Mỹ chỉ chở phái đoàn quân sự của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những thành viên tham gia phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam phải ở lại đợi chuyến bay tiếp theo giữa ngày mùng 1 Tết Quý Sửu (1973).

Sau 3 giờ chiều, nắm chắc thời điểm máy bay Mỹ sẽ không ra đón đoàn trong ngày, Trung tá Vũ Phụng – Trưởng phái đoàn quân sự miền Nam cho phép các thành viên rời doanh trại nhưng phải có mặt tập trung vào sáng hôm sau tiếp tục đợi máy bay. Thời gian này, gia đình Nguyễn Thúc Tuyên đã chuyển từ nơi sơ tán về khu tập thể Thủy lợi (Hà Nội), nên ông tranh thủ về nhà ăn tết cùng vợ con.

Ảnh kỷ niệm của Thượng úy Nguyễn Thúc Tuyên và gia đình trước ngày lên đường làm nhiệm vụ

(Tết Quý Sửu, 1973)

Sau 3 ngày tết vẫn không có máy bay ra đón, phái đoàn nhận chỉ thị của cấp trên di chuyển vào A Lưới (Huế) bằng ô tô. Trước ngày lên đường, Nguyễn Thúc Tuyên đã chụp bức ảnh kỷ niệm cùng gia đình và cất nó trong hành trang vào Nam. Bức ảnh gia đình như một nguồn sức mạnh giúp ông hoàn thành nhiệm vụ sau những giờ đấu trí căng thẳng với phái đoàn quân sự của Mỹ – Việt Nam Cộng hòa. Tháng 10-1973, Nguyễn Thúc Tuyên hoàn thành nhiệm vụ và trở lại trường Đại học Thủy lợi công tác. Bức ảnh được ông lưu giữ cẩn thận trong một album như một kỷ vật quý của cuộc đời.

BBT