Hai tuần ăn bánh mì ở Pháp và cuốn giáo trình đầu tay

Khoảng tháng 8-2002, PGS.TS Vũ Thị Ngân có dịp trở lại Paris, Pháp để tìm tư liệu phục vụ việc biên soạn cuốn giáo trình mới về ngữ nghĩa tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Khác với những lần trước, được cấp học bổng toàn phần sang Pháp nghiên cứu, học tập, lần này do kinh phí có hạn, trường chỉ trợ cấp tiền vé máy bay, bà phải tự túc phí sinh hoạt trong 2 tuần. Tại nơi có mức sống đắt đỏ như Paris, mọi chi tiêu đều phải tiết kiệm. Bà thuê một căn phòng nhỏ, cách không quá xa thư viện thành phố để tiện việc đi lại. Thư viện này khá gần trường Đại học Paris VII, nơi bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1998. Trừ ngày chủ nhật thư viện đóng cửa, bà dành hầu hết thời gian ở đây. Và đêm nào bà cũng làm việc đến 1-2 giờ sáng.

PGS.TS Vũ Thị Ngân

Nếu như người Việt ăn cơm hàng ngày thì tại Pháp, bánh mỳ cũng là một món ăn gần như không thể thiếu. Nhớ lại chuyến đi này, PGS Vũ Thị Ngân chia sẻ: “Đó là hai tuần lễ liền tôi gặm bánh mỳ rồi lại đi thư viện!”. Bữa sáng của bà thường là bánh mỳ (đôi khi có thêm ngũ cốc) và 1 bát cà phê. Ở Pháp, ngoài sử dụng cốc, tách thì người dân còn uống cà phê bằng những chiếc bát con con. Các loại cà phê phổ biến ở Pháp pha loãng hơn rất nhiều so với Việt Nam. Để tiết kiệm cả tiền bạc và thời gian, bữa trưa nhanh ở thư viện và nhiều bữa tối của bà cũng là bánh mỳ.

Cuốn giáo trình đầu tay

Kết thúc 2 tuần ấy, bà đã thu thập được rất nhiều dữ liệu, mang về nhiều sách tham khảo giá trị. Cũng nhờ đó, mà đến năm 2004, cuốn giáo trình đầu tiên của bà “Introduction à la sémantique” (Dẫn luận ngữ nghĩa) đã ra đời.

Nguyễn Điệp