Quá trình tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 vắc-xin COVIVAC được thực hiện với 375 tình nguyện viên, tuổi từ 18-59 và ≥ 60 tuổi, phân thành 3 nhóm, mỗi nhóm 125 người (1:1:1); trong đó độ tuổi ≥ 60 tuổi chiếm tỷ lệ 1/3. Dự kiến thời gian kết thúc tiêm mũi 2 vào ngày 20-9-2021. Trong giai đoạn 2, thay vì sử dụng giả dược để tiêm cho nhóm đối chứng như giai đoạn 1 (thử nghiệm từ 15-3-2021) thì nhóm nghiên cứu đã thay bằng tiêm vắc-xin AstraZeneca, nhằm mục đích đối chứng tính sinh miễn dịch của 2 loại vaccine COVID-19 này.
Phòng thí nghiệm IVAC
Dán nhãn thành phẩm vắc-xin tại IVAC
Tháng 4-2021, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã có dịp đến tham quan Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) để tìm hiểu về vắc-xin COVID thứ 2 do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, phát triển có tên COVIVAC. Với những nền tảng có sẵn: dây chuyền sản xuất vắc xin cúm mùa theo công nghệ trứng gà có phôi cùng với các mối quan hệ hợp tác quốc tế, ngay khi dịch bùng phát IVAC đã bắt tay ngay vào nghiên cứu vắc-xin phòng COVID-19. TS Dương Hữu Thái – Viện trưởng IVAC chia sẻ: "Bối cảnh đại dịch yêu cầu nghiên cứu, sản xuất vắc xin phải nhanh, kịp thời trong khi kinh phí hạn chế, đây là khó khăn lớn nhất của IVAC. Họ đã phải chấp nhận sản xuất gián đoạn vắc xin cúm do tận dụng dây chuyền sản xuất vắc xin này để sản xuất vắc xin phòng COVID-19". Cũng theo TS Dương Hữu Thái: "Trong suốt quá trình nghiên cứu, thử nghiệm COVIVAC dù gặp nhiều thất bại, các cán bộ tại IVAC vẫn không nản, giữ sự quyết tâm cao độ bởi nếu vắc-xin này thành công, sẽ có đóng góp lớn cho xã hội và sẽ là vắc xin không lợi nhuận phục vụ cho người dân".
TS Dương Hữu Thái (áo kẻ) có mặt tại Thái Bình để theo dõi
việc tiêm thử nghiệm vắc-xin COVIVAC giai đoạn 2
Nguyễn Điệp