Bí quyết thành công

Năm 1966, sau khi tốt nghiệp khoa Văn, trường ĐH Tổng hợp HN, Nguyễn Thiện Giáp được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại bộ môn Ngôn ngữ học. Sau này, ông từng là Chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học, khoa Ngôn ngữ học, Chủ nhiệm bộ môn Biên tập và xuất bản, khoa Báo chí, Tổng biên tập, Phó giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội… Trong 55 năm gắn bó với nghề, ông đã chủ trì 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giáo dục và đào tạo, cấp Đại học Quốc gia, công bố hơn 70 bài báo khoa học, 26 cuốn sách chuyên ngành có giá trị. Trong đó, cụm công trình "Từ và từ vựng học tiếng Việt", gồm "Từ vựng học tiếng Việt" (Nxb. ĐHTH&CN, 1985), "Từ và nhận diện từ tiếng Việt" (Nxb. Giáo dục, 1996) được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2010; cuốn "777 khái niệm ngôn ngữ học" (Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010) được Giải thưởng về Khoa học và công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2010…

Để đạt được những thành công đó, GS Nguyễn Thiện Giáp cho rằng: “Muốn trở thành nhà ngôn ngữ học thì phải biết mọi thứ của ngôn ngữ học, muốn làm ngôn ngữ học cũng phải biết các khoa học lân cận như triết học, xã hội học, logic học, tâm lý học..”. Ông nhấn mạnh: “Mọi người luôn phải đọc sách trên tinh thần kiểm chứng, không bao giờ được cho đó là chân lý. Bên cạnh đó, người nghiên cứu phải có lý thuyết dẫn đường, nếu không sẽ không biết làm gì. Nắm vững lý thuyết sẽ giúp ta nhận ra tác giả cuốn sách theo lý thuyết nào, có nhất quán không và có phù hợp với thực tiễn không, bởi thực tiễn là thước đo của chân lý. Từ đó, giúp ta nhận ra ưu, nhược điểm của cuốn sách và rút ra hướng cần tiếp tục nghiên cứu của bản thân”.

Những chia sẻ đó của GS.TS Nguyễn Thiện Giáp là kinh nghiệm quý, có tác dụng định hướng cho giới nghiên cứu trẻ nói chung, cho các nhà ngôn ngữ học trẻ nói riêng.