Kỷ niệm cái Tết đầu tiên xa nhà nơi sơ tán

Kỷ niệm của hai thầy trò

Tiêu chuẩn Tết mỗi sinh viên được 2 cái bánh chưng nhưng phải tự gói và luộc lấy. Từ ngày 25 Tết chúng tôi đã vào rừng lấy củi để đun nồi bánh, lấy lá dong để gói và chặt cây giang để chẻ lạt buộc bánh. Cô cấp dưỡng có gia đình bên cạnh nên đã hướng dẫn cho chúng tôi gói bánh và luộc bánh. Trời mùa đông năm đó rét cắt da cắt thịt, lại nhớ lại câu thơ Tố Hữu “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế”. Chúng tôi vẫn yêu đời như tuổi học trò mới lớn. Mọi người ai cũng mừng vui, tranh nhau kể chuyện tiếu lâm, mặt mày rạng rỡ ngồi quây quần bên bếp lửa hồng ấm áp và nồi bánh chưng xanh đang sôi sùng sục in đậm cảm xúc của không khí Tết. Đến 1 giờ sáng bánh chưng được vớt ra 2 cái rổ to. Sau đó chúng tôi gửi lại tất cả bánh chưng này ở nhà bếp nhờ các chị cấp dưỡng phục vụ trong các ngày mồng 1 đến mồng 6 Tết. Mỗi một bữa ăn trong mấy ngày Tết chúng tôi có dịp hàn huyên, kể chuyện về văn hoá vùng miền, trêu chọc nhau về nguyên ngữ địa phương. Mấy bạn Thanh Hoá nói tiếng bắc không ra Bắc Trung không ra Trung. Dấu hỏi và dấu ngã thì nới ngược nhau mà viết cũng ngược nhau. Chỉ được khoe nem chua đặc sản. Còn lại dân trọ trẹ Nghệ Tĩnh và Quảng Bình thì lôi tiếng địa phương ra đố nhau. Thế mới biết ngoài “mô tê răng rứa” tưởng là đã chung tiếng địa phương rồi thế mà mỗi tỉnh lại còn có một kho tiếng địa phương thứ cấp nữa chưa được khai thác. Lúc này tôi có dịp để giới thiệu tiếng địa phương thứ cấp của quê tôi và 2 món đặc sản trong ngày Tết ở Quảng Bình là bánh tét và cháo canh. Bánh tét Quảng Bình được gói bằng lá chuối sứ buộc lạt vòng quanh như một khúc giò lụa của đồng bằng Bắc Bộ. Cháo canh được nấu từ bột gạo thái vào nồi nước đang sôi với cá Ngứa của biển Quảng Bình. Bột gạo được xay sau khi gạo đã ngâm qua đêm bằng cối xay đá vôi chuyên dụng. Món này tồn tại hàng trăm năm vào dịp Tết Nguyên Đán ngon và hấp dẫn vô cùng.

Sau mỗi bữa cơm tối, tôi về phòng nằm ngủ nhưng miên man nỗi nhớ nhà. Nghĩ miên man một lúc tôi lại khóc. Rồi hình ảnh Thầy Chiển lại hiện lên như một sư phụ thôi miên tôi. Cảm xúc của tôi đối với một con người Thầy có cái gì đó rất đặc biệt lại làm tôi vợi đi nỗi buồn cô đơn của ngày Tết. Tôi lau nước mắt, lấy lại nghị lực và niềm tin. Với tác phong giản dị và mẫn tiệp, giọng nói Kinh Bắc ấm áp và chân tình dễ đi vào lòng người nên đã thuyết phục lòng yêu nghề Địa chất đối với tôi ngay từ những bài học Địa chất Đại cương Thầy giảng. Tôi bắt đầu ngưỡng mộ tài năng và phẩm chất của Thầy bằng trực giác. Tôi là khoá địa chất đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong buổi gặp đầu tiên sau khi chúng tôi hoãn đi Trung Quốc, Thầy Chiển có một câu nói hết sức ấn tượng khi tiếp và nói chuyện với chúng tôi : “Tôi biết các em không được đi học nước ngoài sẽ rất buồn nhưng học trong nước cũng tốt mà, tôi cũng học trong nước đấy thôi”. Tôi không cần hỏi gì thêm nhưng nhìn trạng mạo của Thầy và đôi mắt sáng đã toát lên một con người có thần thái uyên thâm và khi nghe Thầy bảo “tôi cũng học trong nước đấy thôi” là tôi hiểu đây là một người tài năng xuất chúng và một nhân cách lớn.

Những ngày sau đó tôi chỉ mong đến giờ ăn cơm để được lên gặp các bạn, để chia sẻ với nhau về những suy nghĩ và cảm xúc đầu tiên về Khoa Địa lý- Địa chất, về ngành Địa chất mà Thầy Chiển đã sáng lập, Thầy đã lựa chọn mình hướng nghiệp theo chuyên ngành của Thầy. Hơn mười năm Thầy Chiển đã đi xa, hơn 50 năm sau cái Tết Nguyên Đán đầu tiên ở khu sơ tán đã trở thành những kỷ niệm buồn vui theo tôi suốt cuộc đời. Tôi tâm nguyện một điều giản đơn rằng chính Thầy Chiển là ngọn gió thần kỳ đã nâng tôi bay cao và bay xa đến chân trời khoa học.

Hà Nội, 27-1-2022

GS.TS Trần Nghi