Ba Lan luôn trong trái tim chúng tôi

Đoàn lưu học sinh Việt Nam học tiếng tại Wroclaw – Ba Lan, năm 1966.

Từ giữa tháng 7-1966, khi Mỹ mở rộng quy mô chiến tranh ra miền Bắc, rất nhiều cầu, phà bị phá hỏng, nhiều làng mạc, khu phố bị đánh phá tan hoang. Các nhà máy, xí nghiệp, trường học phải sơ tán lên miền núi hoặc về các vùng nông thôn hẻo lánh. Giữa lúc ấy, gần 100 học sinh trong cả nước nhận giấy triệu tập đi học tại Ba Lan. Học sinh ở Hải Phòng, Nam Định về Hà Nội bằng ô tô hoặc xe lửa, còn học sinh ở các tỉnh miền Trung phải kết hợp nhiều cách di chuyển: Đi bộ, đi xe đạp, đi ô tô, tầu hỏa, thậm chí cả xe ngựa kéo, rồi vượt núi, băng rừng. Các bạn từ Vĩnh Linh, Quảng Trị, cách Thủ đô Hà Nội 600 km, phải đi bộ gần 3 tuần. Các bạn Quảng Bình đi bộ mất gần 2 tuần.

Năm 1973, sau 6 năm học tập, đoàn lưu học sinh trở về Việt Nam đúng vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ chuyển sang giai đoạn mới. Họ được phân công và nhận công việc ở các lĩnh vực: khai thác khoáng sản, luyện kim, chế tạo máy, đóng tầu, điều tra tài nguyên, xây dựng các công trình, bảo vệ biên cương, đào tạo, nghiên cứu, phát thanh, truyền hình, báo chí, ngoại giao…

PGS.TSKH Vũ Cao Minh chia sẻ: “Đã 56 năm trôi qua, nhưng hình ảnh về con người và đất nước Ba Lan vẫn vẹn nguyên trong ký ức của chúng tôi – những lưu học sinh sang Ba Lan năm 1966. Ba Lan đã yêu thương, đùm bọc, chở che, nuôi dạy chúng tôi cả một thời thanh xuân tươi đẹp. Ba Lan đã trang bị cho chúng tôi tri thức, sức lực và chắp cánh cho chúng tôi bước vào cuộc sống”.

Thúy Tiềm