Hạnh phúc là biết thích những việc phải làm

Sinh năm 1947 trong một gia đình nông dân ở Thường Tín, Hà Nội, tuy khó khăn, cha mẹ cố gắng cho ông được đi học. Năm 1964, với niềm yêu thích, ông thi vào khoa Vô tuyến điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, sau một thời gian, ông lại có giấy báo nhập học trường Đại học Kinh tế tài chính (nay là Đại học Kinh tế quốc dân). Ông nghĩ kết quả bài thi chắc chắn không tệ, nhưng không được biết điểm, bản thân cũng không rõ lý do. Không biết tâm sự cùng ai, bởi các anh ít khi ở nhà, cha mẹ tuổi già có lẽ cũng không hiểu. Lẳng lặng một ngày suy nghĩ, ông tự nhủ: Nhà nước phân công thì mình học.

GS.TS Tô Xuân Dân

Là sinh viên khóa đầu của chuyên ngành Thống kê xây dựng, khoa Thống kê, thời gian đầu, ông có phần tự ti vì học sinh phổ thông lên học ít, phần nhiều là cán bộ đi học. Là một trong 3 sinh viên nhỏ tuổi nhất lớp, ông được các thầy tạo điều kiện phát biểu trong lớp, trong các lần hội họp. Ông chia sẻ: "Tôi có phần hơi nhát, nhưng các thầy động viên, tôi buộc phải cố gắng. Dần dần, việc học cuốn tôi theo, làm tôi quên câu chuyện thi đại học năm xưa".

Hết năm thứ nhất, ông trở thành sinh viên xuất sắc với điểm thi cao nhất lớp. Được bầu là cán sự môn học, ông cùng các bạn học nhóm, giúp đỡ nhau để cùng học tốt. Ông cũng vinh dự được chọn là đại diện của sinh viên trong những buổi báo cáo kinh nghiệm học tập cho các lớp khóa sau. Năm 1968, tốt nghiệp khoa Thống kê, ông được giữ lại trường và gắn bó với ngành sư phạm và trở thành một nhà khoa học có nhiều dấu ấn với ngành.

Nguyễn Thanh