Sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy lợi, chuyên ngành thủy công năm 1972, Trần Đình Hợi công tác tại Viện Nghiên cứu khoa học Thủy lợi Việt Nam. Từ năm 1981 – 1986, ông được cử đi làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Thủy lợi Moskva (Liên Xô). Ông chia sẻ: “đây là thời kỳ đẹp nhất của cuộc đời” gắn liền với những kỉ niệm về người thầy, người bạn Việt Nam và Liên Xô.
Ở Moskva, Trần Đình Hợi nhận được sự giúp đỡ của cô giáo Trưởng khoa Ngoại quốc Onga Fedorop na. Hồi mới sang, mọi thứ với ông đều rất lạ lẫm, bỡ ngỡ, nhưng chính sự ân cần, tận tâm, chu đáo của cô giáo đã giúp ông sớm hòa nhập được với môi trường mới.
Ông kính trọng thầy giáo hướng dẫn Pietr. Evgenerich Lucenko, người luôn đồng hành, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ông trong suốt quá trình học tập và làm luận án. Ông cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam và những người bạn Xô Viết tốt bụng, dễ mến.
Chính nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè mà ông đã bảo vệ thành công luận án: “Cửa van tự động thủy lực trục ngang áp dụng cho điều kiện Việt Nam” tại Đại học Thủy lợi Moskva (Liên Xô) năm 1986.
Nhớ lại những năm tháng ấy, GS.TS Trần Đình Hợi chia sẻ: “Những hình ảnh về nước Nga, về trường Đại học Thủy lợi Moskva gắn liền với những kỉ niệm về người thầy, người bạn sẽ còn mãi trong trái tim tôi”.
GS.TS Trần Đình Hợi
Tiến Hưng