TS Lê Quang Huy và cán bộ của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tận mắt chứng kiến những hoạt động, thành quả mà MEDDOM đã đạt được trong 15 năm qua. Ông đã bị chinh phục hoàn toàn và vô cùng cảm động trước sự tâm huyết của người sáng lập – GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí cùng tập thể MEDDOM. Những gì đã đạt được của MEDDOM thực sự quá đặc biệt và khiến tất cả đều phải ngạc nhiên, bởi nếu không có động cơ trong sáng, tinh thần, nhiệt huyết, đặc biệt là nguồn tài chính vững vàng thì không thể thực hiện được một khối lượng công việc đồ sộ như thế.
Bắt nguồn từ câu chuyện muốn lưu trữ lại những bút tích, bản thảo sửa chữa luận án của các thầy dành cho mình, GS Nguyễn Anh Trí đã nảy ra ý tưởng thành lập một trung tâm lưu trữ, nghiên cứu và phát huy di sản của các nhà khoa học Việt Nam. Từ ý tưởng thai nghén ban đầu ấy, đến nay, MEDDOM đã lớn mạnh, hoạt động ở cả hai nơi là Hà Nội và Hoà Bình. Ở Hà Nội, công tác nghiên cứu, sưu tầm di sản của các nhà khoa học được tiến hành bài bản, song song với hoạt động lưu trữ, trưng bày và phát huy di sản được diễn ra ở Công viên Di sản tại Hoà Bình. Đến nay, MEDDOM đã sưu tầm, lưu trữ hàng triệu tài liệu hiện vật cùng hàng trăm ngàn phút ghi âm, ghi hình ký ức của các nhà khoa học Việt Nam. Hàng chục đầu sách, hàng chục trưng bày, triển lãm là những thành quả mà MEDDOM đã đạt được nhằm lan toả câu chuyện của các nhà khoa học. Đó cũng là chất liệu vô cùng quý giá để nghiên cứu về cuộc đời các nhà khoa học, về lịch sử giáo dục, lịch sử khoa học, lịch sử đất nước…
TS Lê Quang Huy khẳng định, chẳng có một nơi nào đặc biệt như MEDDOM, như ở Công viên Di sản. Lõi di sản là điều đặc biệt của nơi này so với các nơi khác. MEDDOM đã tự lãnh lấy sứ mệnh quan trọng để làm một công việc vô cùng ý nghĩa mà bất kỳ ai thấy cũng đều phải trân trọng.
Tham quan kho lưu trữ của MEDDOM, TS Lê Quang Huy đã nhận ra rất nhiều nhà khoa học mà ông đã có dịp làm việc, học tập. Ông vô cùng xúc động đứng trước di sản của GS.TSKH, Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc, đồng thời kể những mẩu chuyện ít ai biết về cuộc đời của GS Nguyễn Đình Ngọc, GS Vũ Đình Cự… Chúng tôi như “vớ được vàng” khi lần đầu nghe những câu chuyện của một nhân chứng lịch sử – TS Lê Quang Huy. Ông cho rằng, di sản của các nhà khoa học mà MEDDOM đang lưu trữ là chất liệu quan trọng để giáo dục giá trị sống, truyền động lực, cảm hứng cho các thế hệ trẻ hiện này. Sẽ chẳng có gì trực quan sinh động hơn những câu chuyện được kể từ những di sản, đằng sau những hiện vật và tiếng nói của các nhà khoa học.
Rời Công viên Di sản, TS Lê Quang Huy khẳng định sẽ lan toả câu chuyện của MEDDOM và nhất định sẽ quay trở lại nơi đây cùng nhiều cán bộ của Uỷ ban và các đại biểu Quốc hội khác. Ông gợi ý MEDDOM nên có một chuyên đề nghiên cứu và trưng bày dành cho các nhà khoa học là đại biểu Quốc hội từ năm 1945 đến nay. Đó thực sự là một ý tưởng thú vị chờ đón chúng tôi trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn tình cảm TS Lê Quang Huy và cán bộ của Uỷ ban đã dành cho MEDDOM. Đó thực là sự ghi nhận và là động lực để MEDDOM vững tin phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Dưới đây là một vài hình ảnh trong chuyến tham quan:
TS Lê Quang Huy cùng GS Nguyễn Anh Trí tại không gian nhà sàn ở MEDDOM. |
Lưu lại bức ảnh kỷ niệm khi đến MEDDOM. |
Trước nhà sàn di sản. |
Không thể không ngưỡng mộ trước di sản của các nhà khoa học Việt Nam được lưu trữ tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam. |
TS Lê Quang Huy (thứ 2 từ phải) vô cùng khâm phục trước khối lượng công việc mà MEDDOM đã thực hiện. |
Khám phá không gian trưng bày tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam. |
Đoàn đại biểu của Uỷ ban tại Triển lãm "Thẳm sâu trong từng kỷ vật". |
Ban biên tập