Ký ức tổ đài A7

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hà sinh năm 1952 tại huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Năm 1970, Nguyễn Thị Bích Hà trở thành sinh viên khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn quyết liệt. Kết thúc năm học thứ hai tại nơi sơ tán ở Hưng Yên, khoa quyết định chia lớp, một nửa ở lại, một nửa về Hà Nội tham gia chiến đấu, bảo vệ trường. Bà khoác ba lô trở về trường, mặc dù bản thân chưa hình dung được sẽ phải làm gì.
Thực hiện nhiệm vụ thời chiến, Huyện đội Từ Liêm chọn trường Đại học Sư phạm để đặt một tổ đài quan sát trên nóc nhà A7 – một trong những điểm cao nhất của trường. Tổ đài chia làm hai ca trực, có nhiệm vụ quan sát, báo cáo về Huyện đội hướng máy bay địch vào Hà Nội và những điểm bị địch đánh phá. Lúc đầu, Tổ đài chỉ có 4 sinh viên nữ, do bà Nguyễn Thị Bích Hà làm Đài trưởng: Lần đầu tiên nhận từ các đồng chí Huyện đội: cờ hiệu, cọc tiêu, ống nhòm, bản đồ, điện đài… tôi và các đồng chí trong Tổ đài hiểu được rằng mình đã thực sự tham gia vào cuộc chiến đấu như một chiến sĩ – bà Hà chia sẻ.

Tổ đài quan sát trên nóc nhà A7, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, 1972

Sau khi hết ca trực, bà Nguyễn Thị Bích Hà và đồng đội trở lại lớp học. Dù khoảng thời gian ít ỏi nhưng bà luôn tranh thủ tự học. Bà hăng say với những bài thơ yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu… và cũng học rất kỹ đặc điểm, dấu hiệu nhận biết các loại máy bay cùng những vị trí trọng yếu của Hà Nội. Trong 12 ngày đêm khói lửa tại Thủ đô (18/12 – 29/12/1972), bà và đồng đội của Tổ đài là những sinh viên duy nhất ở lại trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin. Tổ đài được Bộ Tư lệnh Thủ đô biểu dương và gọi với cái tên “Con mắt phía Tây Thủ đô”.
Đến nay, chiến tranh đã lùi xa nhưng với PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hà ký ức về một thời sinh viên chống Mỹ sẽ không bao giờ phai nhạt bởi chỉ có ở thời hoa lửa thì cuộc sống sinh viên mới có khoảnh khắc kỳ lạ và hào hùng như vậy.

Nam Vũ