Từ nghiên cứu lý luận báo chí đến hoạt động truyền hình

Sinh năm 1958, từ nhỏ, Nguyễn Đức Dũng đã có năng khiếu về nghệ thuật. Năm 1976, ông thi đỗ và trở thành sinh viên khóa 21 (niên khóa 1976-1980), khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với niềm đam mê báo chí, năm 1985, Nguyễn Đức Dũng thi tuyển vào khoa Báo chí, trường Tuyên huấn Trung ương I (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Sau khi tốt nghiệp (năm 1990), ông được giữ lại làm giảng viên của trường và từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Trưởng khoa Phát thanh và Truyền hình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu báo chí và Truyền thông. Từ đây, ông chính thức bước vào sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu về lý luận báo chí. Ông công bố hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học, xuất bản 13 cuốn sách giáo trình, chuyên luận…, tiêu biểu như: bộ Giáo trình nghiệp vụ Báo chí của khoa Báo chí, xuất bản năm 1977, 1978; Ký báo chí, Nxb. Thông tin, 1992…


PGS.TS Nguyễn Đức Dũng trong buổi làm việc với nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, 18-5-2023

Sau gần 25 năm làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, từ tháng 7-2014, PGS.TS Nguyễn Đức Dũng chuyển công tác tại Báo Nhân Dân, trực tiếp xây dựng kênh Truyền hình Nhân Dân. Là một kênh mới được thành lập nên PGS.TS Nguyễn Đức Dũng phải xây dựng từ bộ máy quản lý, các tổ, phòng ban đến thành lập các tổ chức quần chúng, xây dựng khung chương trình với các chương trình, chuyên đề, chuyên mục lớn, nhỏ… Tất cả đều phải hình thành từ đầu, vừa làm vừa điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Chỉ hơn 1 năm sau khi phát sóng chính thức, kênh Truyền hình Nhân Dân được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp vào nhóm 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia. Bên cạnh đảm nhận công tác quản lý với vai trò là Phó Giám đốc Thường trực, ông còn trực tiếp tổ chức sản xuất, dẫn một số chương trình chính luận như: Vấn đề và Sự kiện, Những góc nhìn, Nói thẳng, Bình luận – Phê phán, Luận đàm…

Dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp báo chí Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Dũng luôn cảm thấy may mắn khi được vận dụng lý luận nghiên cứu báo chí vào hoạt động thực tiễn bằng việc sản xuất các chương trình truyền hình. Nhấn mạnh lại về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, ông trích lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông.

Vũ Nam