Người lật tìm “tử ngữ” văn chương

PGS.TS La Khắc Hòa sinh ngày 03-3-1947 tại huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Năm 1965, ông tốt nghiệp phổ thông hệ 10 năm và theo học Đại học Sư phạm Vinh, nhưng do ảnh hưởng của chiến tranh nên chỉ học “lõm bõm” được hơn 2 năm (1968). PGS.TS La Khắc Hòa luôn tự nhận thế hệ của ông là những người bình dân, trưởng thành trong môi trường bình dân và tri thức cũng mang tính bình dân. Ở thế hệ ấy, những người muốn theo đuổi con đường lao động khoa học thì cần phải không ngừng nỗ lực để tự bổ túc tri thức cho mình.

PGS.TS La Khắc Hoà vẫn miệt mài nghiên cứu về kí hiệu học – hướng nghiên cứu riêng của ông

Nói về kí hiệu học, PGS.TS La Khắc Hòa khẳng định: người tiên phong nghiên cứu vấn đề này ở Việt Nam phải là GS. Hồ Tôn Trinh (Hoàng Trinh). Không muốn đi theo lối cũ, vị phó giáo tự chọn cho mình một ngách nghiên cứu mới đó là kí hiệu học trong văn học. Theo ông, văn chương là nghệ thuật nói gián tiếp xoay quanh 3 câu hỏi lớn: “Ai nói? Nói với ai? Nói cái gì?”. Mà mỗi tác phẩm lại là một tiếng nói khác nhau, một ngôn ngữ khác nhau, một hệ thống kí hiệu cũng khác nhau mang dấu ấn cá nhân của từng tác giả. Và đặc biệt hệ thống ấy chỉ có thể sử dụng một lần duy nhất vì nghệ thuật vốn không có chỗ cho sự lặp lại. Nói cách khác, đó chính là “tử ngữ”. Bởi vậy, vị phó giáo sư vẫn luôn tự ví mình như một nhà khảo cổ học trong văn chương khi luôn trăn trở lật tìm lớp “tử ngữ” để hiểu đúng, hiểu sâu những gì một tác phẩm văn học muốn truyền tải.

Đến nay, dù đã bước qua tuổi thất thập, PGS.TS La Khắc Hòa vẫn chưa khi nào ngừng theo đuổi con đường nghiên cứu và giảng dạy. Đó chính là câu chuyện lao động khoa học miệt mài, bền bỉ mà MEDDOM luôn trân trọng và lưu giữ.

Viết Thị Thanh Hà