Ngay sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Dân chủ Đức (1987) về nước, PTS Hoàng Văn Tiệu đã bắt tay vào việc chuẩn bị cho dự án “Phát triển chăn nuôi vịt ở Việt Nam” do FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc) tài trợ, nhằm giúp Việt Nam – một nước có nghề chăn nuôi vịt khá phát triển nhưng chủ yếu là các giống vịt bản địa có năng suất thấp, nuôi theo hình thức chăn thả – phát triển ngành chăn nuôi vịt.
Năm 1989, dự án “Phát triển chăn nuôi vịt ở Việt Nam” chính thức được triển khai. Đã thử nghiệm thành công trên vịt Cỏ nên các thành viên của Trung tâm Vịt vô cùng hào hứng. Đợt đầu tiên, tổ chức FAO cung cấp cho Trung tâm giống vịt CV Super M thương phẩm một ngày tuổi của hãng Cherry Valley (Anh) để nuôi thử nghiệm. Từ đợt thứ hai, khoảng 5 tháng sau, họ cho nhập vịt con dòng bố mẹ của CV Super M. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, ông Hoàng Văn Tiệu trao đổi với chuyên gia của FAO đang phụ trách dự án: Nếu dự án chỉ nhập vịt bố mẹ thì sau 1 năm sẽ bị mất nguồn gen, không duy trì được sự phát triển của chăn nuôi vịt ở Việt Nam như mong muốn. Mong ông giải trình với FAO và đề xuất cho chúng tôi được nhập vịt ông bà nhằm duy trì nguồn gen.
Cuốn sách là cẩm nang của những người chăn nuôi vịt |
Hai năm sau, năm 1994 dù được điều chuyển về Viện Chăn nuôi nhưng ông Hoàng Văn Tiệu vẫn tiếp tục đồng hành cùng các thành viên ở Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên để triển khai công trình “Nghiên cứu vịt thịt CV Super M ở Việt Nam”. Ghi nhận những đóng góp hiệu quả của công trình dự án phát triển ngành chăn nuôi vịt tại Việt Nam, năm 2000, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ được trao cho tập thể tác giả, tham gia công trình, đứng đầu là PGS.TS Hoàng Văn Tiệu. Cuốn sách “Nuôi vịt siêu thịt C.V.Super M” của Lương Tất Nhợ, Hoàng Văn Tiệu chính là một phần của kết quả nghiên cứu đó.
Muốn tìm hiểu sâu hơn về những câu chuyện xoay quanh cuốn sách này, kính mời quý vị tới tham quan Triển lãm Thẳm sâu trong từng kỷ vật tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Nguyễn Thị Dinh