“Hai năm hối hả, gấp rút nhưng rất vui”

GS.TSKH Nguyễn Đức Hùng sinh năm 1946 tại Bình Định, năm 1955 ông tập kết ra Bắc và học tập tại trường học sinh miền Nam. Năm 1964, ông thi đỗ vào khoa Hóa, trường ĐH Tổng hợp. Dưới sự hướng dẫn của thầy Hồ Ngọc Ba ông bắt đầu quan tâm nghiên cứu đến vấn đề ăn mòn kim loại. Sau này, qua lần tu nghiệp một năm dưới hình thức thực tập sinh tại Thụy Sĩ (1979), và hai lần làm luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ (nay là tiến sĩ và tiến sĩ khoa học) tại CHDC Đức (1972-1975 và 1982-1985) ông càng thêm yêu thích và tích lũy được nhiều kiến thức về hướng nghiên cứu này.

GS.TSKH Nguyễn Đức Hùng chia sẻ câu chuyện chống ăn mòn cho cột điện cao áp
trong công trình Xây dựng đường dây tải điện cao áp 500KV Bắc – Nam

Sau khi về nước, ông đã có nhiều đóng góp trong các vấn đề chống ăn mòn kim loại, đặc biệt ông đã góp phần vào nghiên cứu thành công kỹ thuật nhúng kẽm chống ăn mòn cho cột điện cao áp trong công trình Xây dựng đường dây tải điện cao áp 500KV Bắc – Nam (Hòa Bình – Hồ Chí Minh) từ năm 1992 đến năm 1994. Mặc dù đã tròn 30 năm kể từ ngày hoàn thành công trình này, nhưng cảm xúc về quá trình thực hiện trong ông vẫn vẹn nguyên. Đó là những tháng ngày làm việc cường độ cao, áp lực cả thời gian lẫn kinh tế và kỹ thuật. Đã có lúc ông phải gác lại “chữ Hiếu”, đó là khi nổi lửa lò nhúng kẽm ở Hải Phòng cũng là lúc nhận tin bố qua đời. Là người chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật ông đã gạt nước mắt ở lại canh lò đến khi hoàn thành mới trở về quê thắp hương cha. Hay những lúc một ngày phải di chuyển nhiều nơi, từ Thái Nguyên đến Hải Phòng rồi vào TP Hồ Chí Minh trong điều kiện giao thông khó khăn… GS Nguyễn Đức Hùng thổ lộ: Hai năm làm công trình Xây dựng đường dây tải điện cao áp 500KV Bắc – Nam là hai năm hối hả, gấp rút, nhưng rất vui.

Buổi làm việc kết thúc khi đồng hồ đã điểm hơn 12 giờ trưa. Bên 3 chiếc ghế kê tạm thành góc làm việc bởi đồ đạc trong nhà đã được dọn dẹp chuẩn bị cho chuyến di cư vào nam của gia đình ông, chúng tôi đã kịp ghi hình và sưu tầm lại những di sản tâm huyết nhất sự nghiệp làm khoa học của GS Nguyễn Đức Hùng.

Hoàng Thị Kim Phượng