Sổ đăng ký mua lương thực của GS.TS Trần Văn Nhân

Giáo sư Trần Văn Nhân sinh 1935, quê Hà Tĩnh, là nhà khoa học lĩnh vực Hóa học, nguyên Phó chủ nhiệm khoa Hóa, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông học đại học và bảo vệ luận án phó tiến sĩ tại trường Đại học Tổng hợp Lomonosov, Liên Xô. Ông đã hướng dẫn trên 100 khóa luận tốt nghiệp, nhiều luận văn thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Hóa lý. Hơn 70 công trình khoa học về động hóa học và xúc tác của ông có giá trị đóng góp đáng kể cho sự hình thành và phát triển chuyên ngành Hóa lý ở Việt Nam.

Giáo sư Trần Văn Nhân cho biết: Bắt đầu từ năm 1957, nhà nước thực hiện chế độ cung cấp gạo cho bộ đội, cán bộ và nhân dân với giá bán thống nhất 4 hào/kg nhưng số lượng mua khác nhau trong một tháng tùy theo các đối tượng: nhân dân 13kg, cán bộ 15 kg, công nhân 17kg, các ngành độc hại 21kg…. Ngành lương thực phát cho mỗi gia đình một Sổ đăng ký mua lương thực, thường được gọi là sổ gạo, đứng tên chủ hộ. Hàng tháng, ông Nhân mang sổ đến cửa hàng lương thực 168 Lò Đúc xếp hàng để mua. Lúc bấy giờ, nhiều người muốn tiết kiệm thời gian và để được mua trước, họ nảy ra sáng kiến xếp hòn gạch hoặc chiếc nón mê thay người đứng để nhận chỗ. Nhưng nhiều trường hợp khi chủ nhân quay lại thì hòn gạch hay nón mê đã không cánh mà bay, những người này đành ngậm ngùi xếp lại từ đầu. Khi xếp hàng, thương binh thường được ưu tiên, khi cửa hàng thiếu tiền lẻ trả lại thì những người có tiền lẻ được ưu tiên mua trước, do đó trong dân mới có câu "tiền lẻ hơn thẻ thương binh"  là vì lẽ đó. Giáo sư Trần Văn Nhân cho biết: Gạo mua về thường nhiều sạn, trước khi nấu phải nhặt sạn, thời gian nhặt sạn thường lâu hơn thời gian nấu cơm. Kể từ năm 1983, khi vợ ông- bà Đỗ Thị Nõn qua đời, mẹ ông chuyển từ khu tập thể Đại học Kinh tế Quốc dân lên Lò Đúc ở cùng với các cháu trước khi ông Nhân đi làm chuyên gia giáo dục ở Algeria.

Năm 1985, ông Trần Văn Nhân đi chuyên gia nên không trực tiếp sử dụng sổ mua lương thực này. Sổ mua lương thực đứng tên chủ hộ là Trần Văn Nhân, nhưng người mua hộ thường là các anh chị em trong gia đình hoặc họ hàng. Theo quy định, chỉ cần có sổ là mua được gạo, không cần kèm theo giấy tờ gì khác. Số lượng gạo mà họ hàng mua hộ theo tiêu chuẩn của 2 người con ông thường là 12 kg mỗi người, mua vào sáng thứ ba và chiều thứ bảy. Trong sổ nhân viên bán hàng ghi rõ ngày mua, số lượng mua. Sổ được ghi từ ngày 29 tháng 9 năm 1986 đến tháng 7 năm 1988 thì hết sổ. Không rõ gia đình hay cơ quan cấp sổ khâu thêm một số lượng trang kẻ tay, viết theo mẫu có sẵn từ những trang trước để ghi tiếp các lần mua sau, viết đến hết tháng 12 năm 1986. Những trang này đều có dấu đỏ giáp lai của cửa hàng 168 Lò Đúc. Sổ mang số đăng ký 37-20K.

Sau khi đi chuyên gia về nước, giáo sư Trần Văn Nhân lưu giữ sổ mua lương thực này để làm kỷ niệm.

Ngày 19 tháng 12 năm 2014, giáo sư Trần Văn Nhân đã tặng sổ đăng ký mua lương thực này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.