Máy tách nọc độc bọ cạp của PGS.TSKH Lê Xuân Huệ

Chiếc máy tách nọc độc bọ cạp do phó giáo sư Lê Xuân Huệ và đồng nghiệp Đặng Đức Khương ở phòng Hệ thống côn trùng học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật chế tạo để thực hiện đề tài Nghiên cứu loài bọ cạp Việt Nam, năm 1991 được tặng cho Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam, ngày 19-11-2016.

Chuyện kể rằng, năm 1991, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cử ông chủ trì thực hiện đề tài Nghiên cứu loài bọ cạp Việt Nam. Thành viên tham gia đề tài là các cán bộ của Viện gồm: Đặng Đức Khương, Hoàng Vũ Trụ, Ngô Thị Cát, Phạm Quỳnh Mai và Phạm Đình Sắc.

Phó giáo sư Lê Xuân Huệ cùng các cộng sự thực hiện các chuyến khảo sát ở nhiều tỉnh miền Bắc và miền Nam như Đồng Nai, Phú Thọ,… để thu mẫu và nghiên cứu về hai loài bọ cạp nâu và đen ở Việt Nam. Trong quá trình thực hiện đề tài, để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu về nọc độc của bọ cạp nên ông Lê Xuân Huệ và đồng nghiệp Đặng Đức Khương quyết định tự chế tạo một chiếc máy tách nọc độc bọ cạp. Chiếc máy gồm hai bộ phận, một phần hoạt động giống như chiếc ắc quy dẫn điện, một phần là dùng chiếc bẫy chuột chế thành bàn kẹp con bọ cạp trong quá trình tách nọc. Khi sử dụng, con bọ cạp được đặt vào bàn kẹp sao cho phần đuôi của nó đặt vào đúng vị trí của chiếc lăng kính hình tròn ở dưới bàn kèm. Sau đó, cắm máy với nguồn điện rồi dùng điện đã nối sẵn từ ắc quy dí vào hai đốt cuối ở đuôi của con bọ cạp. Lúc đó, con bọ cạp bị kích thích sẽ tiết ra khoảng 1 mi li lít nọc độc. Sau khoảng mấy phút, nọc sẽ khô lại và ông dùng một con dao nhỏ để cạo cho vào một cốc thủy tinh để bảo quản trong điều kiện phù hợp dùng cho nghiên cứu. Phó giáo sư Lê Xuân Huệ cho biết: Cứ cách khoảng 10-15 ngày có thể lấy nọc độc một lần. Ngoài việc sử dụng để nghiên cứu thì nọc độc của bọ cạp chữa được nhiều bệnh khác nhau, để ngâm rượu…

Sau hơn một năm, khi hoàn thành đề tài cấp Viện, các ông đề nghị phát triển thành đề tài khoa học cơ bản, chiếc máy tách nọc độc bọ cạp này vẫn tiếp tục được sử dụng trong quá trình nghiên cứu.

Sau đó, phó giáo sư Lê Xuân Huệ giữ chiếc máy làm kỷ niệm. Tuy nhiên, qua thời gian ông làm mất phần bàn kẹp và chỉ giữ lại được phần ắc quy của chiếc máy. Vì vậy, đến tháng 9-2016, sau khi biết đến hoạt động nghiên cứu sưu tầm của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ông đã tìm mua một chiếc bẫy chuột chế tạo thành bàn kẹp mới và nối lại với ắc quy cũ thành một chiếc máy tách nọc độc hoàn chỉnh.