Đôi dép đặc biệt của PGS Lý Hòa

PGS.TS Lý Hòa (sinh 1931, quê Mỹ Tho). Từ một chiến sĩ Vệ quốc đoàn trong kháng chiến chống Pháp, ông đã chiến thắng thương tật, đi học bổ túc công nông, học đại học, rồi trở thành nhà giáo và nhà khoa học về vật lý, từng làm Hiệu trưởng trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh giai đoạn 1977-1990. Ông đi sâu nghiên cứu sự tương tác giữa phân tử và nội phân tử dạng XH…R bằng phương pháp quang phổ hấp thụ phân tử, nguyên tử; đồng thời ứng dụng những kết quả nghiên cứu đó phục vụ sản xuất và chiến đấu.

Tuổi trẻ của phó giáo sư Lý Hòa, cũng như bao chàng trai cô gái khác, ông xung phong tham gia kháng chiến chống Pháp và không may bị thương trong trận chiến đấu 1953 tại Mỹ Long, Trà Vinh. Khi đó, Lý Hòa được đưa ngay ra miền Bắc bằng trực thăng, trong đoàn 16 người đầu tiên tập kết năm 1954. Ông phải điều trị suốt 5 năm với 38 tháng bất động trên giường bệnh, 16 lần mổ, qua 7 quân y viện từ Nam ra Bắc. Lần phẫu thuật thứ 16, tại Bệnh viện Việt – Xô, Lý Hòa may mắn được một giáo sư Liên Xô giỏi về chuyên khoa tim mạch tham gia kíp mổ. Ca mổ diễn ra trong bốn tiếng đồng hồ và khi tỉnh dậy ông được báo tin kết quả thành công tốt đẹp. Ông nhớ lại lúc đó : lòng tôi rực lên một niềm vui lạ thường. Cuối tháng 10-1958 Lý Hòa ra viện và xuất ngũ với tình trạng sức khỏe hạng D, thương binh và bắt đầu với con đường học tập và nghiên cứu khoa học.

Tốt nghiệp loại ưu khoa Vật lý, trường Đại học tổng hợp Hà Nội khóa 1959-1963, thầy giáo Lý Hòa được giữ lại làm cán bộ giảng dạy môn Vật lý từ năm 1963 đến 1975. Ông được sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh và năm 1969 đã bảo vệ luận án phó tiến sĩ  về Toán – Lý. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được triệu tập cùng nhóm cán bộ khoa học kỹ thuật trở về tiếp quản những cơ sở trọng yếu ở Sài Gòn. Tháng 4-1977, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh cho đến tháng 6-1990.

Do chân trái bị thương tật nên chiếc dép trái của ông phải làm đế cao đến 15cm. Ông tìm nơi thiết kế giày dép cho những trường hợp đặc biệt để đặt đóng đôi dép này. Vào những năm 80, do tính chất công việc đòi hỏi ông phải thường xuyên đi lại, ông cần có một đôi giầy để dùng khi đi nước ngoài và một đôi dép để đi trong nước cho thoải mái. Đôi dép được ông đặt đóng năm 1985 tại một cửa hiệu nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Hồ Chí Minh.

Đôi dép đặc biệt có đế chân trái cao 15cm, còn bên chân phải cao 2cm đã giúp ông thuận tiện và tự tin hơn trong di chuyển. Đôi dép gắn bó với phó giáo sư, tiến sĩ Lý Hòa trong hơn 10 năm, thời gian làm Hiệu trưởng trường Đại học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và quá trình ông hoạt động ở Đảng bộ khối. Đôi dép là minh chứng cho câu chuyện cảm động về những ngày tháng vượt lên số phận của ông.

Tháng 5-2014, phó giáo sư Lý Hòa đã tặng đôi dép kể trên cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.