Bộ bài chơi tiếng Việt của PGS.TS Trần Vĩnh Phúc

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Vĩnh Phúc sinh năm 1936, quê Hà Nội, là nhà khoa học ngành Ngôn ngữ. Năm 1954, ông là một trong 100 người đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang Liên Xô học tiếng Nga để về phục vụ công tác phiên dịch và giảng dạy trong nước. Ông có đóng góp lớn trong việc xây dựng bộ môn Đất nước học Nga thuộc trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ý tưởng về bộ bài chơi tiếng Việt của PGS Trần Vĩnh Phúc xuất phát từ bộ Tú-lơ-khơ tiếng Nga mà ông làm cho sinh viên khoa Nga, trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội (nay là trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.). Con gái ông rất thích thú với bộ Tú-lơ-khơ này nhưng không hiểu tiếng Nga nên không thể chơi. Hiểu được điều đó, năm 1978, sau một thời gian nghiên cứu hệ thống quy tắc ngữ pháp chữ Quốc ngữ và 6 thanh dấu tiếng Việt, ông Phúc đã hoàn thiện bộ bài chơi tiếng Việt.

Bộ bài chơi tiếng Việt gồm 52 quân, trong đó 18 quân là nguyên âm, 22 quân phụ âm, 10 quân thanh dấu và 2 quân cắt. Mặt trước mỗi quân sẽ có hình ảnh về đất nước, văn hóa Việt Nam, các di sản trên thế giới, còn mặt sau là hình trống đồng Đông Sơn. Luật chơi bộ bài này dựa trên nguyên tắc tấn-đỡ và ngữ pháp tiếng Việt. Theo đó, người chơi ra các quân chữ, quân dấu để lập các từ hoặc cụm từ dựa theo câu nói của người đi quân nghĩ ra.

Luật chơi thứ nhất : “Nước đi ngôn ngữ” lập các từ và câu nói tự do.

Luật chơi thứ hai : Tính điểm “Nước ngôn ngữ lập câu ca dao (hoặc tục ngữ, câu thơ, câu hát..)

Nếu người chơi ra quân chữ, quân dấu sai làm từ, câu vô nghĩa thì phải bê các quân này lên tay và mất một lượt đi. Nhờ đó, người chơi sẽ nhớ mặt từ dễ dàng hơn, tránh mắc lại lỗi ngôn ngữ.

Bộ bài chơi tiếng Việt cùng với bộ bài chơi tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp do ông Phúc sáng chế năm 1978 đã vinh dự nhận được: Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Huy chương Sáng tạo khoa học-kỹ thuật của  Liên Xô, Huy chương vàng tại triển lãm Kinh tế-kỹ thuật toàn quốc lần thứ hai… Ngày 25-3-2015, Phó giáo sư Phúc đã tặng bộ bài này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.