Tình cha con qua 14 lá thư

Phó giáo sư Nguyễn Nghĩa Trọng, nay đã ở tuổi bát tuần, trao cho cán bộ Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam một tập tài liệu đã cũ. Và chúng tôi thực sự xúc động khi biết đó là 14 lá thư của nhà giáo Nguyễn Quang gửi từ Hà Tĩnh trong những năm 50 của thế kỷ trước cho con trai Nguyễn Nghĩa Trọng ở Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc).

Ở thời đại công nghệ số hiện nay, ít người còn viết thư tay, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng trước kia, viết thư là cách liên lạc phổ biến trong xã hội, và 14 lá thư đã giúp nhà giáo Nguyễn Quang kéo gần hơn khoảng cách xa xôi cách trở với con trai. Cả 14 lá thư đều gấp tư, qua thời gian đến nay đã quăn mép giấy, một số thư bị rách theo nếp gấp ngang, và không thư nào còn phong bì. Tuy tất cả cùng viết bằng bút máy, nhưng có mực đỏ, mực xanh, mực đen, nhiều chỗ chữ đã nhòe mờ. Giấy cũng nhiều loại và không cùng khổ: thư nhỏ nhất có kích thước 12,5 x 17cm, thư lớn nhất rộng 19,6 x 29,6cm; có thư viết trên nửa tờ giấy vở học sinh, có thư viết trên giấy thếp kẻ ngang, hay giấy pơluya. Nhiều thư được mở đầu như trong văn bản hành chính: "Việt Nam dân chủ cộng hòa/ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc".

14 bức thư là những lời khuyên răn, bảo ban, định hướng của người cha dành cho con trai khi đi học ở khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Mỗi lần nhận được thư cha, Nguyễn Nghĩa Trọng đều đọc rất kỹ, ghi nhớ từng lời dạy của cha. Nhưng đến nay, ông vẫn tự nhận xét mình chưa giỏi Trung văn như mong ước của cha, và đó là một điều tiếc nuối theo ông suốt cả cuộc đời.

Về Việt Nam, hành lý của thầy giáo Nguyễn Nghĩa Trọng không chỉ có sách vở, quần áo, mà còn có những lá thư của cha. Tháng 4-2017, trước khi tặng 14 lá thư cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Nghĩa Trọng đặt tất cả lên bàn thờ, thắp nén nhang thơm và xin phép cha. Ông tâm sự rằng, sau hơn 60 năm gìn giữ 14 lá thư này, nay ông tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam để chúng tôi hiểu hơn về thầy giáo Nguyễn Quang – một nhà giáo yêu nước, một người cha mà suốt đời ông kính trọng và biết ơn.