Thư của GS.TSKH Đặng Như Toàn gửi vợ

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Như Toàn sinh năm1939, mất năm 2000 quê ở xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là nhà khoa học thuộc chuyên ngành Kinh tế, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế và Quản lý môi trường, trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Ông được phong học hàm Giáo sư năm 1996.

Trong buổi trò chuyện ngày 21-8-2015 với nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, bà Nguyễn Thị Mai – phu nhân cố Giáo sư Đặng Như Toàn có kể lại một câu chuyện rất thú vị. Trước khi làm đám cưới vào tháng 12 năm 1973, ông Toàn thấy bà Mai không có chiếc áo len nào đẹp để có thể mặc diện được, cho nên có ý định nhờ người đan giúp cho bà Mai 1 chiếc áo. Tuy nhiên vào thời điểm đó, để có được len đủ đan áo cho người yêu thì không phải là việc đơn giản. Bấy giờ ông Toàn có 1 chiếc áo len mua từ thời sinh viên ở Liên Xô, cho nên đã gỡ ra để lấy len đan áo cho bà Mai. Hôm tổ chức đám cưới, bà Mai mặc áo dài, bên ngoài khoác chiếc áo len này.

Ngày 22 tháng 9 năm 1974, ông Toàn lên tàu sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Ngày 26 tháng 9 năm 1974, bà Mai sinh đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Mai Lâm. Thiếu vắng trụ cột trong gia đình cho nên cuộc sống của mẹ con bà Mai rất vất vả. Bà kể lại: “Lúc bấy giờ quá khó khăn, tôi phải nối các sợi bấc đèn và gỡ các tất len ngày xưa ông ấy mang về từ Liên Xô để đan áo cho con”. Ông Toàn cũng hiểu được hoàn cảnh của vợ con ở Việt Nam. Do vậy, mỗi khi có bạn bè về Việt Nam, ông thường gửi thuốc tây và một số đồ dùng về cho vợ con.

Tháng 10 năm 1976, Đặng Như Toàn viết 1 bức thư gửi cho vợ. Trong thư có đoạn: “Vừa rồi có anh Kỷ, thực tập sinh ở chỗ anh về nước cùng với cậu Trung (chồng Hòa), nguyên là cán bộ Đoàn trường ta. Anh có gửi cho con mấy cuộn len nhân dịp sinh nhật. Em cố gắng đan cho con cái áo để kịp mặc mùa lạnh này. Sợi chập 4 hay 3 tùy ý, nhưng phải pha màu cho nó sặc sỡ vào, mốt hiện đại vào. Đại khái có thể như thế này…”. Rồi ông vẽ 2 mẫu áo len phối màu màu xanh, trắng, đỏ rất thời trang. Ông cũng cho biết: “Anh đã mua cho em 6 lạng len màu phơn phớt trắng nhưng sợ gửi về thì em sẽ đan theo mốt cổ điển mất, nên vẫn nằm trong vali. Và tất nhiên, áo màu này mà đi với quần loe màu đỏ hoặc màu vàng thì “nền” lắm! Cộng thêm mái tóc để xõa, che 1 nửa đuôi mắt bên trái thì mốt nhất thời đại rồi”.

Trong thư, ông cũng cho biết mình đang bước vào giai đoạn hoàn thiện luận án phó tiến sĩ. Ngoài ra, ông chia sẻ nhiều về cuộc sống ở Liên Xô và những dự định trong tương lai. Ông căn dặn: “Em gắng cho con ăn nhiều chất bổ, nhiều hoa quả để con chóng lớn, chóng khôn. Phải uốn nắn tính tham ăn, ích kỷ. Đừng giáo dục cho con chia phần, thiệt hơn, to nhỏ, tiêu chuẩn… Anh chẳng thích thế đâu. Con cần gì, nếu đáp ứng được, em cứ cho con ăn mặc đầy đủ, miễn là hợp vệ sinh và phải làm cho con hiểu rõ nguyên nhân tại sao phải thế”.

Sau khi nhận được len và thư của chồng, bà Mai bắt tay vào việc đan áo cho con. Đối với bà, công việc này không hề khó khăn. Bà Mai cho biết: Sau này chiếc áo lại được truyền cho con của cô Cúc – một người bạn thân của bà.

Bức thư của Giáo sư Đặng Như Toàn được bà Mai lưu giữ cẩn thận tại nhà riêng. Ngày 15 tháng 6 năm 2015, bà Nguyễn Thị Mai trao tặng bức thư này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.