Chiếc xoong nhôm – kỷ vật cưới gần 50 năm trước

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Viết Tùng sinh 1941, quê Nghệ An, là nhà khoa học lĩnh vực Nông nghiệp. Ở trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, ông có hơn 50 năm giảng dạy tại bộ môn Côn trùng học; trên cương vị hiệu trưởng, ông có nhiều đóng góp trong việc mở rộng quan hệ hợp tác của trường. Ông đã tham gia thực hiện 2 chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước, một số đề tài cấp Bộ Nông nghiệp về điều tra quá trình sinh trưởng, phát triển và các loài thiên địch của nhóm rệp hại cây trồng.

Cuối năm học thứ 4 tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, một hôm, trên đường từ ga Cổ Bi trở lại Học viện Nông lâm, sinh viên Nguyễn Viết Tùng tình cờ gặp một nữ sinh có khuôn mặt thanh tú, quần áo gọn gàng đang đạp xe đến trường. Sau vài lần gặp lại trên đường đến trường và qua thông tin của bạn bè, ông được biết cô gái đó tên là Bích Hà, đang học tại trường cấp 3 Cao Bá Quát ở Cổ Bi, Gia Lâm.

Năm 1964, Nguyễn Viết Tùng tốt nghiệp Học viện Nông lâm và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại bộ môn Côn trùng. Cùng thời điểm này, Bích Hà tốt nghiệp phổ thông và thi đỗ vào khoa Nông học, trở thành sinh viên khóa 9 của học viện. Trong ngày khai giảng năm học mới, ông có cơ hội gặp lại Bích Hà và biết cô là con gái của cụ Nghiêm Xuân Tiếp, Chủ nhiệm khoa Lâm học của học viện.

Hai người bén duyên gặp gỡ, qua nhiều lần trò chuyện mà trở nên thân thiết. Nhưng phải đến năm 1966, trong thời gian trường Đại học Nông nghiệp sơ tán chiến tranh phá hoại, Viết Tùng và Bích Hà chính thức yêu nhau.

Năm 1968, Bích Hà tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp và được phân công về công tác tại Viện Cây lương thực và thực phẩm, bấy giờ đóng tại Gia Lộc, Hải Dương, do Giáo sư Lương Định Của làm Viện trưởng. Ngày 26-11-1968, Viết Tùng đạp xe chở người yêu đến Ủy ban nhân dân xã Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) để đăng ký kết hôn. Đôi tân hôn được nhận một tờ phiếu mua “hàng cưới”. Theo chế độ phân phối “hàng cưới” thời bao cấp, mỗi cặp kết hôn được mua hai tút thuốc lá, vài cân kẹo và một món đồ gia dụng tùy chọn như phích nước nóng, bát, xoong… Viết Tùng đạp xe chở vợ đến cửa hàng mậu dịch quốc doanh ở phố Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) để mua hàng cưới, trong đó có chiếc xoong nhôm để dùng nấu cơm. Đây là loại xoong sản xuất tại Liên Xô, đường kính 17cm và cao 11,5cm, dày dặn và xinh xắn.

Sau ngày cưới, chiếc xoong gắn bó với bà Bích Hà trong suốt thời gian công tác tại Gia Lộc, Hải Dương (1968-1978). Năm 1978, bà Bích Hà được chuyển về làm giáo viên ở trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, từ đó chiếc xoong trở thành vật dụng sinh hoạt chung của hai vợ chồng.