Cả hai chiếc khăn sợi này đều là sản phẩm dệt công nghiệp. Chiếc khăn nền trắng, có trang trí hoa lá nhiều màu sặc sỡ ở khoảng giữa và được viền mép bằng chỉ đỏ. Chiếc khăn màu đỏ lớn hơn, trang trí bằng những dải ô màu đen và trắng, hai đầu khăn cùng có tua sợi đỏ.
Năm 1963, sau khi học xong chương trình chuyển tiếp tại trường Đại học Bách khoa Kharcov (Liên Xô) rồi về nước, ông Lê Văn Tiến được phân công làm giảng viên ở khoa Cơ khí, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Bên cạnh việc giảng dạy ông tích cực tham gia công tác công đoàn ở trường và thành phố Hà Nội
Tháng 2-1970, Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội khóa 5 (1970-1974) xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục phong trào thi đua lao động sản xuất, đưa sản xuất công nghiệp trở lại bình thường để góp phần xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ…Hè năm 1973, thực hiện nghị quyết nói trên, Công đoàn thành phố Hà Nội phát động phong trào thi đua nâng cao năng suất lao động cho các công nhân là thợ tiện trực tiếp sản xuất. Giảng viên Lê Văn Tiến được cử tham gia ban khảo sát các sáng kiến của công nhân nhằm tập hợp, khảo sát và đánh giá các sáng kiến của công nhân, góp ý để làm cho các sáng kiến đó phát huy tốt hơn, nhằm mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn.
Khoảng năm 1975-1976, Công đoàn thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức hội nghị phong trào thi đua nâng cao năng suất cho thợ lần thứ hai, mở rộng cho toàn bộ thợ cơ khí tham gia. Giảng viên Lê Văn Tiến được cử tham gia ban khảo sát và viết báo cáo cho hội nghị tổng kết.
Sau hai lần tham gia ban khảo sát, tháng 7-1977, ông Lê Văn Tiến nhận được quyết định cử tham gia đoàn đi thăm hữu nghị Liên hiệp Công đoàn Budapest và Liên hiệp Công đoàn Moskva.
Tháng 9-1977, đoàn bay sang Budapest. Tại đó, đoàn được Công đoàn của họ đưa đi tham quan nhà máy dụng cụ điện và bóng điện Tushen. Budapest để lại cho ông Tiến ấn tượng đặc biệt bởi thành phố có rất nhiều ô tô, nhiều cây xanh, con người thân thiện và kinh tế phát triển. Sau 3 ngày, đoàn sang Moskva. Đoàn cũng được đưa đi thăm một số nhà máy ở Moskva, để lại ấn tượng sâu đậm nhất cho ông Tiến là việc nhà máy tận dụng các phế thải, vật liệu thừa để làm đồ chơi cho trẻ em. Trong các buổi đi thăm nhà máy ở Budapest và Moskva, tất cả mọi người trong đoàn đều được tặng quà kỷ niệm. Ông Lê Văn Tiến mang theo về Việt Nam hai chiếc khăn và một số vật dụng nhỏ như cái bút, chiếc huy hiệu, cùng những đồ lưu niệm khác, nhưng về sau ông chỉ giữ lại hai chiếc khăn, còn những món quà khác ông đã tặng cho bạn bè, đồng nghiệp.
Hai chiếc khăn này, ông dùng để phủ lên hai cái radio của gia đình. Ông còn nhớ, chiếc khăn trắng phủ lên cái đài bán dẫn, loại đài phải dùng tới 6 thỏi pin Con thỏ cỡ to. Đến khoảng năm 1997-1998, hai chiếc radio bị hỏng, từ đó ông không dùng tới hai chiếc khăn nữa. Ông giặt và cất giữ cẩn thận hai chiếc khăn, bởi đây là hai món quà kỷ niệm về một chuyến đi công tác nước ngoài mà ông không thể quên.