Ngày 7-4-1971, nghiên cứu sinh Lê Văn Truyền bảo vệ thành công đề tài luận án Phó tiến sĩ “Nghiên cứu các dược phẩm từ emzym” tại Đại giảng đường khoa Dược, trường Đại học Y dược Bucarest, Rumani. Trở về nước, ông được phân công làm cán bộ giảng dạy Bộ môn Bào chế, trường Đại học Dược khoa. Trong năm học 1971-1972, PTS Lê Văn Truyền tích cực tham gia các hoạt động. Năm 1971, ở miền Bắc diễn ra trận lụt lớn. Trong gần hai tháng, ông Truyền đạp xe đi hầu hết các huyện từ Văn Giang (Hưng Yên) đến Cẩm Giàng, Kim Thành, Chí Linh (Hải Dương)… để hướng dẫn sinh viên tham gia phòng dịch, khử trùng nước giếng, giúp đỡ các trạm y tế xã, đồng thời khai thác dược liệu địa phương và bào chế thuốc chữa những bệnh nhiễm khuẩn rất phổ biến sau lũ lụt do không có nước sạch. Cụ thể, đoàn công tác này đã bào chế cao cỏ sữa kết hợp với berberin làm thuốc lỵ, pha thuốc nhỏ mắt palmatin chiết xuất từ cây hoàng đằng để chữa đau mắt đỏ…
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972, PTS Lê Văn Truyền ở lại trường Đại học Dược khoa để trực chiến. Trường Đại học Dược khoa tổ chức một Tổ pha chế dịch truyền, hỗ trợ các bệnh viện phục vụ công tác cấp cứu phòng không. Ông được Ban Giám hiệu phân công tham gia Tổ pha chế dịch truyền dã chiến dưới sự lãnh đạo của thầy Hiệu phó Lê Quang Toàn, chỉ đạo chuyên môn của thầy Đỗ Minh và thầy Nguyễn Ngọc Bảng. Phòng pha chế vô trùng được đặt dưới tầng hầm của Tòa nhà vòm, trường Đại học Dược khoa. Ông nhớ: Chúng tôi đi Nhà máy Thủy tinh Hải Phòng mua chai đựng dịch truyền, chuẩn bị phương tiện pha chế. Bộ Y tế cấp các nồi cất nước công suất 5lít/giờ (Trung Quốc) đốt bằng than đá và nồi hấp tiệt trùng (Trung Quốc) đốt bằng dầu hỏa (không sử dụng các thiết bị chạy điện vì thành phố có thể mất điện khi không quân Mỹ đánh phá Nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy điện duy nhất cấp điện cho Thủ đô). Công ty Dược phẩm TW 1 cấp glucose và natri clorid dược dụng. Tổ Pha chế dịch truyền đã pha chế được 6.000 chai dịch truyền để dự trữ, hỗ trợ các bệnh viện trong thành phố phục vụ công tác cấp cứu trong suốt 12 ngày đêm lịch sử. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, những chai dịch truyền này được cung cấp cho các bệnh viện Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm và Bệnh viện Bạch Mai khi bị đánh bom.
Năm học 1971-1972, trường Đại học Dược khoa phân chia một số sinh viên dược khoa năm thứ 4 (khóa 24) sơ tán về Bắc Ninh, giảng viên Lê Văn Truyền được phân công phụ trách nhóm sinh viên ở Thuận Thành (Bắc Ninh), luân phiên mỗi tuần đến một Trạm y tế giảng bài lý thuyết môn Kỹ thuật Bào chế. Buổi tối, ông tranh thủ dịch sách đồng thời viết giáo trình Kỹ thuật bào chế các dạng thuốc theo sự phân công của chủ nhiệm Bộ môn Bào chế – DS Đặng Hồng Vân. Giáo trình Kỹ thuật bào chế các dạng thuốc gồm 3 tập (tập 1, 1973; tập 2, 1976 và tập 3, 1978) được in tại Nhà xuất bản Y học. Ba tập sách này được coi là bộ sách giáo khoa về kỹ thuật bào chế đầu tiên bằng tiếng Việt do DS Đặng Hồng Vân chủ biên và các cán bộ giảng dạy trẻ tham gia biên soạn, trong đó có PTS Lê Văn Truyền.
Với những đóng góp trong công tác giảng dạy, tham gia các hoạt động kể trên, PTS Lê Văn Truyền được Ủy ban Hành chính Hà Nội tặng bằng khen.