Quyển sổ điểm tại trường Đại học Kỹ thuật Slovaikia

PGS.TS Trần Như Bách (Trần Bách) sinh năm 1943 tại thôn Khuê Phương, xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Năm 1962, tốt nghiệp trường cấp III Chu Văn An B ở Hà Nội, ông được trường chọn đi học ở nước ngoài. Tiêu chuẩn lựa chọn dựa trên kết quả học tập và lý lịch của gia đình học sinh. Trong hồ sơ đi học nước ngoài Trần Như Bách lấy tên Trần Bách cho đến ngày nay.

Trước hết, những người đi du học được phổ biến các quy định, quy chế đi học ở nước ngoài, kiểm tra sức khỏe, trước khi đi được cấp 2 bộ comple, giày, tất, quần áo.

Ngày 14-9-1962, Trần Bách cùng một số người bạn Đỗ Văn Đạt và Nguyễn Văn Tiến đi Tiệp khắc bằng tầu hỏa qua Trung Quốc, Liên Xô đến Tiệp Khắc. Ông chia sẻ: “Ban đầu tôi rất thích học về kinh tế chính trị và đã nộp đơn thi vào trường kinh tế, tôi đã đọc nhiều sách do anh trai là Trần Linh (quân hàm cuối cùng là trung tướng), lúc đó công tác tại Học viện chính trị đưa cho”. Tuy nhiên, việc được đi học ở nước ngoài là vinh dự rất lớn, không chỉ có của cá nhân, mà còn là cả dòng họ. Đến nay, cả họ Trần ở quê ông, chỉ có 2 người là Tiến sĩ, trong đó có ông.

Những năm đầu tiên, ông học ngoại ngữ ở trường ngoại ngữ dành cho các sinh viên nước ngoài của Slovakia, ở đây có sinh viên của rất nhiều nước khác nhau đến chuẩn bị ngoại ngữ để học đại học. Lần đầu tiên học tiếng Slovkia, ông chỉ có một cuốn từ điển để tra cứu. Ông kể: “Học ngoại ngữ cũng cần có năng khiếu và sự kiên trì. Muốn học ngoại ngữ tốt để chứng minh được trình độ và khả năng của bản thân thì trước tiên phải nói chuyện được với trẻ con. Người lớn có thể đoán khẩu hình, nhưng trẻ con thì không thể, nếu không phát âm đúng thì không thể khiến chúng hiểu mình đang nói gì”. Vì vậy, buổi sáng, ông học từ mới trong sách giáo khoa ở lớp, chiều đi khắp đường phố tìm trẻ con để nói chuyện. Ngoài ra, hàng ngày phải đặt ra mục tiêu học ít nhất 5 đến 10 từ mới, duy trì đều đặn và thực hiện mọi lúc, mọi nơi.

Ngoài ra, để nâng cao vốn từ, ông học từ mới từ các mục tin ngắn trên các báo của Tiệp Khắc, dịch ra tiếng Việt, rồi viết lại ra các phiếu và kiên trì học hàng ngày. Sau này, nhờ duy trì mục tiêu học hàng ngày, mà ngoài tiếng Slovkia, ông còn học cả tiếng Pháp, Nga, Anh, Ba Lan, hiểu được tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc.

Năm 1963, sau khi hoàn thành việc ngoại ngữ, theo sự phân công của Đại sứ quán, Trần Bách học ngành sản xuất, phân phối và sử dụng điện năng học. Thời gian đầu, ông nghe không hiểu được thầy giảng khi lên lớp, nên phải khắc phục bằng cách tự đọc sách và tra từ điển, nhờ điều này Trần Bách có được thói quen đọc sách, không biết hoặc chưa hiểu rõ điều gì đều tìm sách để đọc.

Từ năm 1963-1968, ngoài các môn cơ bản như lý, hóa, toán, cơ khí, nhóm sinh viên Việt Nam này còn học các môn chuyên ngành về hệ thống điện: Hệ thống điện, lưới điện, bảo vệ rơle, chống sét, kinh tế ngành điện. Đặc biệt là các môn thực hành như: Thiết kế nhà máy điện, thiết kế chiếu sáng một khu vực cụ thể, thiết kế đường dây, trạm biến áp hoặc bảo vệ role…lượng thiết kế môn học khá lớn khiến cho kỹ sư ra trường có kỹ năng rất tốt. Ông Trần Bách chia sẻ: “Giờ học lý thuyết có thể không đi học mà tìm kiếm thông tin qua sách tại thư viện. Nhưng những giờ học thực hành tại phòng thí nghiệm, bắt buộc sinh viên phải có mặt đầy đủ. Khi đó, chúng tôi  mỗi người được phân một đề, có sách hướng dẫn và thực hiện theo. Nhờ đó mà kỹ năng của sinh viên được cải thiện rất nhiều”. Trường phát cho mỗi sinh viên một sổ điểm dùng trong 6 năm học. Trong sổ điểm này ghi tên các môn học, tổng số giờ học, sinh viên phải mang theo khi thi hết môn để các thầy ghi điểm thi vào và ký xác nhận. Khác với cách cho điểm của Liên Xô điểm 5 là cao nhất, ở Slovaikia chấm điểm bằng chữ chứ không bằng số, điểm một là cao nhất. Trong sổ không có nhận xét của giáo viên, chỉ ghi tên môn học, điểm từng môn theo từng năm học.

Năm 1968, Trần Như Bách hoàn thành chương trình học tại trường Đại học kỹ thuật Slovakia sau khi làm và bảo vệ đồ án tốt nghiện, thi quốc gia các môn học chính. Trở về Việt Nam, ông được phân công làm việc tại bộ môn Phát, dẫn điện, khoa Điện (nay là bộ môn Hệ thống điện), trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tháng 2 năm 1969 và làm việc ở đây cho đến khi nghỉ hưu năm 2008.

Quyển sổ điểm là tài liệu cá nhân của sinh viên sau khi học xong, nên Trần Bách đã mang về Việt Nam làm kỷ niệm.