Hai cuốn sổ ghi chép của TS Huỳnh Tùng

Đại tá, TS Huỳnh Tùng sinh ngày 25-11-1942 tại xóm Bắc Hà, thôn Diêu Trì, xã Phước Long, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định (nay xã Phước Long đổi thành thị trấn Diêu Trì). Mọi giấy tờ của ông ghi ngày sinh là 1-1-1943. Ông là nhà khoa học chuyên ngành Khoa học quân sự, từng làm Viện trưởng Viện Kỹ thuật Phòng không – Không quân.

Tháng 10-1978, khi ông Huỳnh Tùng nhận được giấy báo của Bộ Quốc phòng yêu cầu đến tập trung tại Đông Anh, Hà Nội để chuẩn bị thi nghiên cứu sinh. Tại đây, trong khi các bạn phải học ngoại ngữ, thì Huỳnh Tùng không cần học vì ông đã từng học ở Liên Xô 3 năm và ở Trung Quốc hơn 3 năm. Khoảng tháng 7-1979, ông tham gia kỳ thi nghiên cứu sinh và đạt kết quả khá cao, trong đó môn toán được 9 điểm. Do mối quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Liên Xô căng thẳng, mà ông tốt nghiệp Học viện Công trình quân sự Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc), có thể sẽ khó được Liên Xô tiếp nhận. Vì thế, theo hướng dẫn của cấp trên, ông xin trường ĐH Kỹ thuật quân sự[1] cấp cho bằng tốt nghiệp, đồng thời xin xác nhận của Tùy viên quân sự Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô. Nhờ vậy, ông không gặp trắc trở gì khi làm thủ tục nhập học ở Học viện Kỹ thuật Phòng không Giucovski.

NCS  Huỳnh Tùng học về máy bay động cơ, thầy hướng dẫn là GS.TS Tuxonpavob, chuyên gia hàng đầu về lốp máy bay của Liên Xô. Trước khi sang Liên Xô, ông dự định nghiên cứu về hệ thống cất cánh, hạ cánh của máy bay: càng, lốp, dù giảm tốc, cánh tà, thay đổi hướng lực đẩy động cơ hoặc phanh… Được sự gợi ý của người hướng dẫn – GS Tuxonpavob, ông chọn nghiên cứu về lốp máy bay với đề tài “Khảo sát các yếu tố sử dụng ảnh hưởng đến độ bền mỏi của lốp máy bay tiêm kích (MIG-21)”.

Ngay từ năm học đầu tiên, NCS Huỳnh Tùng thường tranh thủ thời gian không phải học ngoại ngữ và ôn thi các môn “tối thiểu” để lên thư viện tìm đọc tài liệu liên quan tới đề tài của mình. Mọi kiến thức cần thiết ông đều ghi chép vào sổ, bắt đầu từ cuốn bìa đỏ. Thậm chí, ông còn vẽ minh họa các lực tác động trên thành lốp. Ông cũng ghi lại một số công thức toán học, để khi thực hiện luận án sẽ sử dụng cho việc tính toán lực tác động lên lốp và kết cấu máy bay. Trong sổ ghi bằng cả tiếng Việt và tiếng Nga. Khi đọc tài liệu, chỗ nào có thể dịch ngay thì ông viết tiếng Việt, còn những câu hay từ khó, chưa hiểu chắc chắn, ông chép nguyên tiếng Nga.

Qua nghiên cứu, ông xác định được vị trí dễ bị phá hủy nhất của thành lốp, để đưa ra các giải pháp tăng độ bền cho lốp. Theo ông, tùy vào người thiết kế lốp mà lựa chọn giữa hai phương án: Một là, nghiên cứu sử dụng cao su, vải mành và tanh[2] có khả năng chịu nhiệt, chịu uốn và bám dính tốt để sản xuất lốp. Hai là, đưa ra các khuyến cáo kỹ thuật cho người sử dụng: nạp đủ áp suất cho lốp, bởi áp suất thấp thì độ biến dạng của lốp lớn hơn; không để máy bay chở trọng tải quá quy định, nhằm đảm bảo độ ép của lốp nằm trong giới hạn cho phép. Đó cũng chính là đóng góp lớn nhất của luận án do NCS Huỳnh Tùng thực hiện.

Giữa năm 1982, NCS Huỳnh Tùng hoàn thành bản thảo luận án và gửi cho GS Tuxonpavob góp ý. Đến khi bảo vệ, toàn bộ các thành viên trong hội đồng đều bỏ phiếu nhất trí thông qua luận án của NCS Huỳnh Tùng. Ông kể tiếp:  Sau khi nhận bằng, tôi trở về Việt Nam với hành trang chủ yếu là sách, tài liệu, trong đó không thể thiếu hai cuốn sổ ghi chép đã gắn bó trong suốt 3 năm làm nghiên cứu sinh và góp phần giúp tôi hoàn thành luận án.

Hai cuốn sổ đem theo về nước tiếp tục phát huy tác dụng trong quá trình TS Huỳnh Tùng nghiên cứu sản xuất lốp máy bay. Tổng cục Kỹ thuật giới thiệu TS Huỳnh Tùng sang làm việc với Công ty Cao su Sao vàng về việc cải tạo lốp máy bay cũ. Tại đó, ông gặp Giám đốc công ty là TS Nguyễn Duy Đang, người rất tâm huyết với việc sản xuất lốp ô tô, máy bay. Sau một buổi nghe TS Huỳnh Tùng trình bày về yêu cầu công nghệ, kỹ thuật, TS Đang đã quyết định hợp tác sản xuất lốp mới, rồi ông xúc tiến đăng ký với Tổng cục Kỹ thuật để thực hiện đề tài Nghiên cứu sản xuất lốp máy bay MIG-21 cỡ 800cm x 200cm. Hai cuốn sổ ghi chép và một số tài liệu về lốp máy bay MIG-21 của TS Huỳnh Tùng mang về từ Liên Xô đã trở thành nguồn tài liệu bổ ích đầu tiên cho nhóm nghiên cứu. Trong đó, có giá trị tham khảo quan trọng nhất là các công thức toán học, hình vẽ và một số lưu ý khi thiết kế lốp máy bay.

Kết hợp kinh nghiệm nhiều năm sản xuất lốp ô tô với yêu cầu kỹ thuật và công nghệ do TS Huỳnh Tùng đưa ra, TS Nguyễn Duy Đang trực tiếp hướng dẫn một nhóm cán bộ thiết kế và công nhân lành nghề của công ty tiến hành chế tạo lốp máy bay. Họ phải phân tích các tính năng cơ lý, độ bền của cao su, vải mành, tanh của lốp máy bay mới nhập về từ Liên Xô, và cả lốp đã qua sử dụng, để lựa chọn, chế thử vật liệu, nhằm chế tạo ra lốp có chất lượng tương đương.

Để chuẩn bị cho việc thử nghiệm lốp chế tạo được, TS Huỳnh Tùng cùng các cộng sự ở phòng Nghiên cứu máy bay của Viện Kỹ thuật Phòng không – Không quân đã chế tạo các thiết bị cần thiết: Thiết bị đo cân bằng tĩnh lốp, thiết bị thử phá nổ, máy thử ép tĩnh lốp. Sau thử nghiệm, lốp do Viện Kỹ thuật Phòng không – Không quân và Công ty Cao su Sao vàng sản xuất hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Đúng 12h30 ngày 2-6-1992, chuyến bay thử dùng đôi lốp máy bay đầu tiên cỡ 800cm x 200cm do nhóm sản xuất đã được phi công Nguyễn Văn Dũng thực hiện thành công. Sau đó, kết quả của đề tài được nghiệm thu và lốp được phép sản xuất hàng loạt để phục vụ cho hầu hết máy bay MIG-21 ở Việt Nam. Không dừng ở đó, nhóm thực hiện đề tài tự tin tiếp tục nghiên cứu sản xuất săm cho lốp chính, cả săm và lốp trước của máy bay MIG-21.

Hai cuốn sổ ghi chép của TS Huỳnh Tùng

Trong suốt hành trình 40 năm công tác của TS Huỳnh Tùng, hai cuốn sổ ghi chép không chỉ là kỷ vật về thời học ở Liên Xô, mà còn là tài liệu chuyên môn hữu ích để ông tham khảo cho công việc nghiên cứu của mình. Năm 2019, sau gần 10 năm tiếp xúc với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ông mới tặng hai cuốn sổ này cho Trung tâm, với hy vọng: Những bạn trẻ có thể hiểu được cách học tập và làm việc của chúng tôi. Ghi chép rất quan trọng!.

 


[1] Nay là Học viện Kỹ thuật quân sự.

[2] Tanh lốp xe, hay còn gọi là dây talong, có tác dụng giữ cho lốp không bị tuột ra khỏi vành.