Cụm công trình là thành quả từ sự âm thầm nỗ lực và tinh thần không chùn bước của các nhà khoa học vượt qua biết bao gian khó, hiểm nguy.
– Bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỉ lệ 1 trên 500.000
Cuối năm 1955, Liên đoàn Địa chất số 5 của Liên Xô phái sang hỗ trợ Việt Nam khảo sát các mỏ quặng, phục vụ cho việc khai thác. Nguyễn Xuân Bao vừa tốt nghiệp lớp sơ cấp địa chất khóa I nên được theo chân các chuyên gia Liên Xô đi thực địa ở nhiều nơi của miền Bắc trong gần 2 năm. Năm 1957, ông được về Hà Nội và thi vào trường Đại học Bách khoa, khoá 2.
Kể từ khi Liên đoàn Địa chất số 5 của Liên Xô sang Việt Nam đã đặt ra yêu cầu phải thành lập Bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam ở tỉ lệ 1 trên 500.000 vì lúc ấy đất nước đang chia cắt làm hai miền. Trước đó, người Pháp đã thành lập một số bản đồ địa chất tỉ lệ 1 trên 200.000 nhưng còn rời rạc. Họ cũng đã tổng kết và thành lập bản đồ địa chất toàn Đông Dương ở tỉ lệ 1 trên 2.000.000 nhưng bản đồ ấy còn sơ lược do trình độ về khoa học địa chất còn chưa được nhuần nhuyễn.
Năm 1959, chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam giúp thành lập Bản đồ Địa chất miền Bắc tỉ lệ 1 trên 500.000. Đoàn Bản đồ địa chất 20 được giao nhiệm vụ kết hợp với các chuyên gia Liên Xô để thực hiện bản đồ này. Nguyễn Xuân Bao dù vẫn là sinh viên nhưng ông được phân công tham gia đội do Giáo sư Do vji kov và nhà địa chất Bùi Phú Mỹ phụ trách khảo sát. Trong những vùng đã đi khảo sát, Tây Bắc là nơi chứa đựng nhiều bí ẩn của lòng đất và lôi cuốn Nguyễn Xuân Bao mãnh liệt, đồng hành với đó là sự tiềm ẩn của hiểm nguy. Kỹ sư Nguyễn Xuân Bao từng chia sẻ: Đôi lần tôi đã đi theo vết chân voi còn mới hay nhìn thấy vài con hổ lội qua sông. Nhớ nhất là khi qua suối Nậm Ma ở Điện Biên, tôi phải vác cả xuồng cao su và mẫu đá vượt dòng thác.
Năm 1964, công trình Bản đồ Địa chất miền Bắc tỉ lệ 1 trên 500.000 hoàn thành. Bản đồ được vẽ trên cơ sở 40 tờ bản đồ địa chất tỉ lệ 1 trên 200.000, 1 trên 50.000. Công trình này giúp chúng ta nhận biết được cấu tạo địa chất miền Bắc Việt Nam, lịch sử phát triển địa chất miền Bắc Việt Nam, là tài liệu được điều tra ở chất lượng tỉ mỉ và chi tiết hàng đầu ở Châu Á vào thời điểm ấy.
– Bản đồ địa chất miền Nam Việt Nam tỉ lệ 1 trên 500.000
+ Đoàn Bản đồ địa chất B3
Tháng 10 năm 1973, Nguyễn Xuân Bao cùng 14 cán bộ khác của Cục Bản đồ Địa chất bất ngờ nhận được quyết định điều động đi B. Những người này tập trung ở Như Quỳnh, Hưng Yên để thành lập đoàn Bản đồ Địa chất B3 với nhiệm vụ đo Đo vẽ Địa chất và điều tra khoáng sản tỉ lệ 1 trên 200.000 ở các vùng giải phóng B3: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk và K5: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Công việc bước đầu là khảo sát khái quát để chọn diện tích nghiên cứu, lập bản đồ cụ thể. Cái tên B3 được lập ra là cách gọi phân biệt với các đoàn đã vào khảo sát Tây Nguyên từ trước đó. Ban chỉ huy đoàn B3 do Kỹ sư Nguyễn Xuân Bao làm trưởng, trực tiếp phụ trách việc lập bản đồ; ông Lê Giang là phó đoàn, phụ trách điều tra khoáng sản; ông Trịnh Quang Hạo là phó đoàn, phụ trách công tác hậu cần, kiêm bí thư chi bộ. Đoàn có 34 thành viên, bao gồm 7 kỹ sư địa chất, 2 kỹ sư địa vật lý, 11 kỹ thuật viên trung cấp, 7 công nhân kỹ thuật, 4 lái xe, 1 bác sĩ và 2 cán bộ quản lý. Đoàn cũng được cấp cho 1 xe con và 2 xe tải 3 cầu và một số súng đạn khác để phòng thân. Đầu tháng 3-1974, Tổng cục Địa chất phối hợp với Ủy ban Thống nhất của Chính phủ tổ chức long trọng lễ xuất quân. Đi vào vùng còn nguy hiểm, những nhà địa chất như Nguyễn Xuân Bao chẳng nề hà gian khó. Năm 2012, ông viết trong bản hồi ký Đoàn bản đồ địa chất B3 của mình: Chúng tôi ra đi lúc ấy lòng tràn đầy lạc quan, khí thế hăm hở hướng về phía trước…trải qua ngày tháng như những chiến sĩ giải phóng quân: Lưng giắt súng lục, địa bàn/ Tay cầm chắc búa, gian nan sá gì.
Hành trình khảo sát của đoàn Kỹ sư Nguyễn Xuân Bao trải rộng khắp các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, để lập bản đồ địa chất các tỉnh tỉ lệ 1 trên 200.000. Ông nhớ lại chuyến đi đó: Lúc vào thì vào từ Trường Sơn Tây, qua Lao Bảo, đi vào vùng Atôpơ, rồi Kon Tum, từ đó xuống Quảng Nam. Từ Quảng Nam tôi vào các vùng giải phóng khác. Lúc đó, địch chỉ ở các đô thị và dọc đường số 1, còn các vùng khác thì giải phóng khá rộng lớn. Tôi đi được các lộ trình phần lớn bằng ô tô, tới đâu thì đi bộ tới chỗ này chỗ nọ. Lúc bấy giờ những con đường của quân giải phóng đã tương đối rồi. Có thể vào tới Đắk Lắk, Bình Định bằng ô tô. Cho nên khảo sát được nhiều.
Tháng 7 năm 1974, đoàn của ông thu được hai xe tải lớn mẫu đá, quặng đá đưa ra miền Bắc xử lý, làm công tác văn phòng. Qua việc xử lý và phân tích các mẫu đá, quặng thu được, Kỹ sư Nguyễn Xuân Bao và cộng sự nhận định hiện trạng các vùng giải phóng ở miền Nam khá rộng lớn, có các điều kiện khả thi cho công tác đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản ở tỷ lệ nhỏ. Ông cũng cho rằng những tài liệu mà người Pháp để lại còn khá sơ lược, nhiều sai sót, không thể làm cơ sở cho việc điều tra, đo vẽ bản đồ ở tỉ lệ 1 trên 200.000. Bởi vậy, ông đề xuất phải thành lập bản đồ địa chất trên toàn miền Nam tỉ lệ 1 trên 500.000. Ý tưởng đó ngay lập tức được Cục Bản đồ và Tổng cục Địa chất ủng hộ, cho phép lên phương án để thực hiện.
Tháng 11 năm 1975, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Nguyễn Văn Điệp ký quyết định thành lập 3 Liên đoàn Địa chất 5 6 7 để chính thức triển khai việc tìm kiếm, thăm dò khoáng sản và nước ngầm trên toàn miền Nam. Đồng thời ký quyết định thành lập Đoàn 500 trực thuộc Cục Bản đồ để thực hiện việc lập Bản đồ Địa chất miền Nam tỉ lệ 1 trên 500.000. Cũng kể từ thời điểm này, đoàn Bản đồ Địa chất B3 chính thức giải thể, nhập vào Đoàn 500 để thực hiện một sứ mệnh mới. Đoàn 500 quy tụ hơn 300 thành viên.
Theo kế hoạch ban đầu, Bản đồ địa chất Việt Nam được thực hiện trong khoảng 1981 đến 1985, nhưng tình hình mới của đất nước đòi hỏi sớm có bản đồ địa chất toàn lãnh thổ sớm hơn. Bởi vậy, từ năm 1979 đến 1981, một tập thể đông đảo cán bộ địa chất của Liên đoàn Bản đồ cùng các cộng tác viên khoa học đã chung sức, vừa tổng kết các tài liệu hiện có, vừa liên kết thống nhất hóa cho hài hòa về cả nội dung lẫn hình thức bản đồ trên phạm vi cả nước. Công trình này có sự cố vấn của một số chuyên gia uy tín của Liên Xô, nhiều nhà khoa học ở Việt Nam.
Suốt 5 năm, Kỹ sư Nguyễn Xuân Bao và các cộng sự của mình có mặt ở mọi địa danh của miền Nam, từ đất liền đến biển đảo, thỏa chí khám phá và cháy hết mình cho những đam mê. Năm 1981, tại Hội nghị khoa học Địa chất được tổ chức ở Hà Nội, thay mặt Liên đoàn Bản đồ, Kỹ sư Nguyễn Xuân Bao đã báo cáo kết quả thành lập tờ Bản đồ Địa chất miền Nam tỉ lệ 1 trên 500.000. Báo cáo được toàn thể hội nghị hoan nghênh, đánh giá cao. Nhà báo Nguyễn Như Mai đã ví: Tờ bản đồ như bức chân dung chân thật và đẹp đẽ của Tổ quốc thống nhất.
Sau khi hoàn thành Bản đồ Địa chất miền Nam tỉ lệ 1 trên 500.000, Kỹ sư Nguyễn Xuân Bao bàn với nhà địa chất Trần Đức Lương về việc thống nhất bản đồ địa chất trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hai tờ Bản đồ Địa chất miền Bắc tỉ lệ 1 trên 500.000 và Bản đồ Địa chất miền Nam tỉ lệ 1 trên 500.000 được biên soạn thành Bản đồ Địa chất Việt Nam tỉ lệ 1 trên 500.000. Đồng chủ biên cho công trình này chính là hai nhà địa chất Nguyễn Xuân Bao và Trần Đức Lương. Trong quá trình biên soạn, nhiều cuộc họp thảo luận, góp ý giữa các nhà địa chất đã được tổ chức. Biên bản cuộc họp về bản đồ địa chất tỉ lệ 1 trên 500.000 đã ghi lại nội dung một cuộc họp như thế. Các thành viên tham gia chỉ ra những điểm đã làm được và những điểm cần bổ sung thêm cho bản đồ.
Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỉ lệ 1 trên 500.000 năm 1982 do Tiến sĩ Lê Văn Trảo và Kỹ sư Trần Phú Thành đồng chủ biên.
Năm 1964, Kỹ sư Trần Phú Thành được cử tham gia thực hiện đo vẽ lập bản đồ địa chất, khoáng sản tờ Quỳ Châu tỉ lệ 1 trên 200.000, do ông Lê Duy Bách, khi đó là cán bộ Tổng cục Địa chất làm trưởng đoàn.
Để phục vụ cho công tác này, ngoài trang thiết bị thiết yếu (búa, địa bàn…), ông được Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc cấp cho chiếc máy ảnh mang nhãn hiệu Zenit của Liên Xô. Đây là loại máy ảnh cơ, chụp phim âm bản, cỡ phim 3×4. Chiếc máy ảnh giúp ông Thành chụp hình dáng, vị trí của các mẫu quặng, mẫu khoáng sản, địa mạo…, thay vì phải vẽ chúng. Ngoài ra, trong quá trình đi thực địa, ông thường chụp ảnh tặng người dân địa phương.
Hành trình khảo sát ở Quỳ Châu, Nghệ An, đoàn địa chất thường phải chịu cảnh đói, khát và nhiều khi đối mặt với hiểm nguy. Kỹ sư Trần Phú Thành kể: Lần đi thực địa ở núi Bù Khạng, Nghệ An năm 1965, người dẫn đường lưu ý phải cẩn thận vì thấy nhiều phân voi. Vừa dứt lời thì nghe thấy tiếng chân voi rầm rập. Chúng tôi tá hỏa bỏ chạy. Thoát nạn, cả đoàn mới hoàn hồn!. Ngoài voi, còn đối mặt với rắn, hổ… Kết thúc lộ trình thực địa, cả đoàn trở về trong tình trạng vừa mệt, vừa đói. Qua những cánh đồng rộng mênh mông sau mùa vụ và tiếng chuông leng keng của đàn trâu đi kiếm ăn trở về khiến đoàn ông cảm thấy nhớ nhà, nhớ quê hương. Sau mỗi bữa tối, các ông lại ngồi xúm lại kể chuyện, đọc thơ, đàn hát cho nhau nghe.
Một lần, ông Thành ốm phải ở nhờ nhà dân vài ngày, không làm việc nên ông cảm thấy buồn chán. Hôm đó, trời mưa nên ngoài núi có nhiều cua đá bò ra khỏi hang, ông bắt được hai thùng cho đoàn rang làm thức ăn. Vì ăn nhiều quá, nên cả đoàn bị đau bụng vài ngày.
Đồng bào miền núi rất quý và thương các kỹ sư địa chất, lâm nghiệp phải làm việc vất vả, nên thường bán thực phẩm gà, lợn… cho các ông với giá rất rẻ. Thậm chí, khi đoàn hết gạo còn được người dân cho. Nhiều lần, đoàn được người dân mời vào nhà ăn cơm, dù cơm của họ chỉ có mèm mén. Có những hôm đoàn được bà con người Hmông mời uống rượu, ăn thịt lợn gác bếp, nhảy múa suốt đêm. Những dịp đó, đoàn thường biếu lại họ đôi dép hay quần áo cũ; riêng ông Thành dùng chiếc máy ảnh Zenit chụp vài kiểu ảnh để sau gửi tặng họ. Chuyến đi thực địa ở Quỳ Châu, có lần ông trượt chân ngã xuống suối và bị rơi máy ảnh, ông phải mò tìm một hồi lâu mới thấy. Ông nghĩ máy sẽ hỏng, nhưng sau khi sấy khô máy hoạt động bình thường.
Năm 1970, đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ khảo sát lập bản đồ địa chất, khoáng sản tờ Quỳ Châu tỉ lệ 1 trên 200.000, góp phần phục vụ cho việc nghiên cứu và khai thác nguồn tài nguyên ở đây. Sau đó, Kỹ sư Trần Phú Thành vẫn sử dụng chiếc máy ảnh Zenit trong các chuyến đi thực địa ở nhiều nơi khác, như: Thái Nguyên, Cao Bằng… Ông nhớ, một lần đoàn đi khảo sát tại Thái Nguyên, ông chụp ảnh tặng gia đình mà đoàn ở nhờ tại bản Thần Sa. Thấy vậy, trẻ con trong làng kéo đến xem chụp ảnh, rồi chạy đi gọi cả làng đến nhờ ông chụp. Do không có đủ film, nên ông chỉ ưu tiên chụp kỷ niệm cho những người cao tuổi, người già.
Chiếc máy ảnh đã gắn bó với Kỹ sư Trần Phú Thành trong suốt cuộc đời làm nghề địa chất, nó giúp ông ghi lại hình ảnh các mẫu đá, mẫu quặng… và hình ảnh về người dân, cảnh vật nơi ông đến khảo sát. Khoảng đầu những năm 90, ông chuyển sang dùng máy ảnh khác hiện đại hơn, nhưng vẫn lưu giữ chiếc máy Zenit làm kỷ niệm. Ngày 29 tháng 2 năm 2020 ông tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Thành lập bản đồ Khoáng sản Việt Nam tỉ lệ 1trên 500.000
Sau năm 1975, trong quá trình thành lập bản đồ địa chất Việt Nam tỉ lệ 1trên 500.000, Tổng cục Địa chất nhận thấy cần phải tiến hành đồng thời việc lập bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1trên 500.000. Bởi bản đồ địa chất cho biết độ tuổi, cấu trúc, kết cấu địa tầng, vỏ trái đất… còn bản đồ khoáng sản thể hiện các mỏ khoáng sản, nguồn tài nguyên quý của đất nước.
Bản đồ được thành lập trên cơ sở kế thừa, hiệu đính những bản đồ khoáng sản tỷ lệ 1 trên 50.000, 1 trên 200.000… do Tiến sĩ Lê Văn Trảo, Kỹ sư Trần Phú Thành chủ biên và hàng chục cộng sự tham gia. Mỗi thành viên tham gia sẽ thực hiện một phần về: Kim loại đen, kim loại màu, kim loại hiếm, đá quý…
Thực hiện bản đồ này, các thành viên phải đọc tất cả các tờ bản đồ khoáng sản của cả nước và tài liệu liên quan. Sau đó, lược bỏ những phần không cần thiết, nếu phát hiện các điểm nghi vấn sai sót trên bản đồ, tài liệu thì phải tổ chức đi thực địa kiểm tra lại. Công đoạn này tốn khá nhiều công sức và kinh tế vì phải tổ chức nghiên cứu đầy đủ như thực hiện với mẫu mới, gồm các công đoạn đi thực địa lấy mẫu, phân tích, nghiên cứu… Trong 1000 điểm quặng, đoàn sẽ kiểm tra xác suất khoảng 100 điểm.
Thời gian làm bản đồ khoáng sản tỷ lệ 1 trên 500.000, trụ sở Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc ở Như Quỳnh, Hưng Yên, miệt mài làm việc nên hàng ngày ông Trần Phú Thành thường đi làm từ 4 giờ sáng đến hơn 8 giờ tối mới về đến nhà rồi lại làm việc tiếp nên nhiều lần bị vợ “mắng”.
Nhiều năm nghiên cứu với sự nỗ lực của tập thể, không chùn bước trước những khó khăn, vượt qua biết bao gian khó, hiểm nguy để hoàn thành cụm công trình Bản đồ địa chất Việt Nam tỉ lệ 1 trên 500.000 và Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỉ lệ 1 trên 500.000. Cụm công trình đã để lại có giá trị khoa học cao, làm cho bức tranh về lịch sử hình thành và phát triển địa chất của vỏ trái đất trên lãnh thổ nước ta thêm sinh động và đầy đủ. Sự phân chia và thể hiện các tạo thành magma là cơ sở quan trọng để dự báo quy luật phân bố khoáng sản; thông tin về vị trí, loại hình, chất lượng, quy mô và nguồn gốc khoáng sản được phản ánh đầy đủ, giúp ích cho việc phát triển khai khoáng.