GS.TS Dương Học Hải (sinh 1937, quê Hưng Yên), chuyên ngành Xây dựng cầu đường, nguyên Trưởng khoa Cầu đường, trường ĐH Xây dựng. Ông là một trong 7 người bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ đặc cách năm 1978 và là một trong những chuyên gia về cầu đường tại Việt Nam. Ông là tác giả/đồng tác giả của gần 20 cuốn sách, 20 bài viết chuyên môn về thiết kế, khai thác đường ô tô, sân bay; chủ nhiệm/tham gia 5 đề tài các cấp như: Công nghệ mới trong xây dựng và sửa đường ô tô; Nghiên cứu đề xuất tiêu chuẩn thiết kế lựa chọn biện pháp xử lý nền đường qua vùng đất yếu…
Sau giải phóng thủ đô, miền Bắc Việt Nam tiến hành khôi phục kinh tế xã hội, trong đó ngành xây dựng, giao thông tích cực khôi phục hệ thống đường xá, giao thông… Năm 1954-1957, ông Dương Học Hải tham gia khôi phục các tuyến đường sắt Hà Nội – Mục Nam Quan, Hà Nội – Lào Cai, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của Tổng cục Đường sắt thuộc Bộ Giao thông. Thời gian làm việc tại đây, ông thường tranh thủ thời gian tự học, trau dồi kiến thức.
Năm 1957, ông trúng tuyển vào khoa Xây dựng, trường Đại học Bách khoa, niên khóa 1957-1961. Sau khi tốt nghiệp, ông được trường giữ lại giảng dạy. Năm 1966, khoa Xây dựng tách khỏi trường Đại học Bách khoa, thành lập trường Đại học Xây dựng. Từ đó, ông chuyển về đây công tác.
Năm 1976, ông Dương Học Hải là một trong 15 cán bộ được trường Đại học Xây dựng chọn cho làm luận án phó tiến sĩ đặc cách. GS Dương Học Hải cho biết, gọi là đặc cách là bởi các ông không phải thi đầu vào nhưng cũng không có người hướng dẫn (nếu có chỉ là trên danh nghĩa) và chỉ có 1 năm để hoàn thiện luận án phó tiến sĩ.
Tích lũy được một số kinh nghiệm nhất định trong quá trình công tác, giảng dạy, ông Hải chọn luận án với đề tài: Nghiên cứu sự phân bố ẩm và nhiệt trong nền đường ô tô với điều kiện vùng đồng bằng miền Bắc nước ta. Nhiệm vụ nghiên cứu mà luận án đặt ra là nghiên cứu chế độ thủy nhiệt của nền đường ô tô vùng đồng bằng nước ta, góp phần tìm cách giải quyết các tồn tại về phương pháp và biện pháp thiết kế nền đường trong trường hợp có nước ngập và nước ngầm. Địa bàn nghiên cứu chính của ông là Hà Nội và Hải Phòng.
Để soạn thảo luận án, ông Dương Học Hải sử dụng chiếc máy tính rất to. Ông cho biết tất cả chi phí làm luận án, từ bút, mực, giấy in đều được nhà nước bao cấp. Với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp và nỗ lực của bản thân, ông đã hoàn thành luận án tiến sĩ chỉ trong 1 năm (từ tháng 12-1976 đến cuối năm 1977). Cũng trong giai đoạn này, vợ ông đã sinh con gái thứ hai (1977). Nhớ lại khoảng thời gian này, GS Dương Học Hải rất tự hào vì có thể hoàn thành luận án tương đối dày dạn (236 trang) chỉ trong một thời gian ngắn. Ông cũng tự đánh giá, luận án phó tiến sĩ này chính là một trong những công trình khoa học đầu tiên của bản thân.
Ngày 29-11-1977, ông Dương Học Hải bảo vệ luận án phó tiến sĩ cấp cơ sở tại trường ĐH Xây dựng, khi ấy đang sơ tán ở xã Hương Canh (tỉnh Vĩnh Phú nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Ngày 11-5-1978, ông bảo vệ luận án cấp Bộ cũng tại xã Hương Canh. Trong số 15 người được trường chọn làm luận án phó tiến sĩ đặc cách, chỉ có 7 người bảo vệ thành công: ông Dương Học Hải, ông Nguyễn Như Khải[1], ông Vũ Công Ngữ[2]; ông Hoàng Văn Quý[3]; ông Phạm Khắc Hùng[4], ông Hồ Anh Tuấn (đã mất), ông Toán… Ông chia sẻ: Kết thúc buổi bảo vệ (cấp Bộ) tôi đã phát biểu bày tỏ lòng cảm ơn chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhờ Đảng và Nhà nước tạo điều kiện, tôi mới có cơ hội được học tập và đạt kết quả như vậy[5].
Ngày 10/4/1978, tại Nhà hát lớn Hà Nội, 7 người trên thuộc danh sách 51 người được đích thân Phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp trao bằng phó tiến sĩ. Bằng của ông Hải có số thứ tự 0014. Cùng đợt này còn có bà Nguyễn Ánh Tuyết – vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên. Trong nhiều buổi làm việc với NCV, GS.TS Dương Học Hải gợi ý Trung tâm có thể nghiên cứu sâu về 51 người đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ đặc cách này. Theo ông, đây là thế hệ đặc biệt của nước ta thời đó.
Từ năm 1978 đến nay, hướng nghiên cứu chính của ông Hải vẫn là thiết kế đường ô tô. Ông cho biết, kết quả nghiên cứu của luận án phó tiến sĩ được ông ứng dụng vào quá trình nghiên cứu, giảng dạy, cũng như biên soạn giáo trình, sách chuyên ngành như: “Thiết kế đường ô tô”, “Xây dựng mặt đường ô tô”…
[1] GS.TSKH Nguyễn Như Khải, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội.
[2] GS.TS Vũ Công Ngữ, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Cơ học đất – Nền móng, trường ĐH Xây dựng Hà Nội.
[3] PGS.TS Hoàng Văn Quý, nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế dầu khí biển.
[4] GS.TS Phạm Khắc Hùng, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng công trình biển, trường ĐH Xây dựng Hà Nội.
[5] TL ghi âm HTT GS.TS Dương Học Hải, 20-9-2018, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.