Những văn bằng thời đi học của GS Vũ Công Hòe

 

Ông lên Hà Nội học tiếp, nương nhờ một người họ hàng cùng quê, thường gọi là ông Huyện (cha của nhà thơ nổi tiếng Vũ Hoàng Chương), sống ở phố Khâm Thiên. Được cưu mang, Vũ Công Hòe thi vào học tại trường bảo hộ Albert Sarraut và thi đậu Tú tài phần 1, Tú tài phần 2 vào các năm 1930-1931. Là một người có tư chất thông minh, hiếu học, thích nghề thầy thuốc từ nhỏ nên sau khi đỗ Tú tài, Vũ Công Hòe đã thi vào trường Y khoa Đông Dương và đứng tốp đầu trong kỳ thi, được học bổng và ở nội trú tại số 17 Lê Thánh Tông, Hà Nội.

Cuộc đời từ đây bước sang một trang mới, Vũ Công Hòe là sinh viên trường Y khoa, nhưng ông còn phải lo cho các em của mình nên tiền học bổng không đủ để trang trải cho các khoản chi tiêu. Chính vì thế, đều đặn mỗi buổi tối ông lại cuốc bộ từ trường Y lên phố Hàng Bạc để làm gia sư cho con trai của ông giáo Thiện. Với bản chất hiền lành, trung thực lại là một người học rộng, biết nhiều nên Vũ Công Hòe được gia đình rất quý trọng, chu cấp cho ăn mặc đầy đủ. Kèm cặp cho con trai của ông giáo Thiện đỗ Tú tài nên Vũ Công Hòe được coi như người thân trong gia đình.

Sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú (1937) của trường Y khoa, Vũ Công Hòe được gia đình ông giáo Thiện gả con gái khi ấy mới vừa tròn đôi mươi. Đó là năm 1938. Hai vợ chồng trẻ được gia đình bên ngoại cho căn nhà nhỏ ở số 6, phố Gia Ngư để bắt đầu một cuộc sống mới. Tốt nghiệp bác sĩ có lương nhưng Vũ Công Hòe vẫn đi làm thêm ở bệnh viện như đỡ đẻ để có thêm thu nhập nuôi người em trai Vũ Công Hậu cũng đang học đại học. Ông Vũ Công Hậu vốn cũng thi đỗ trường Y nhưng vì thời gian học lâu quá, không có tiền và mong muốn nhanh chóng đi làm nên đã chuyển sang học trường Cao đẳng Canh nông (khi ấy học 3 năm). Sau này ông Vũ Công Hậu trở thành một giáo sư đầu ngành trong ngành Nông nghiệp cũng là nhờ một phần từ sự nuôi nấng, dạy bảo từ người anh trai Vũ Công Hòe.

Giáo sư Vũ Công Hòe là một trong 4 bác sĩ Việt Nam (cùng với GS Đặng Văn Chung, Nguyễn Hữu, Phạm Biểu Tâm) được phong hàm giáo sư theo hệ thống học hàm của Pháp năm 1952. Năm 1955, ông cũng là một trong 9 người được công nhận là giáo sư của nền Giáo dục Việt Nam sau khi hòa bình lập lại. Ông là người đầu tiên làm giải phẫu ở Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh, trường Đại học Y Hà Nội; nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Bạch Mai; Chủ tịch Hội Giải phẫu bệnh – Y pháp Việt Nam.

Là người đi đầu và xây dựng ngành Giải phẫu bệnh ở Việt Nam nhưng ít ai biết đến lý do Giáo sư Vũ Công Hòe đến với ngành này. Giải phẫu bệnh là một ngành ít người muốn học vì nó liên quan đến mổ xác, đối tượng nghiên cứu là tử thi, nhưng tại sao Vũ Công Hòe lại dấn thân và đam mê như vậy? Đó cũng là một sự thiệt thòi, vì thính giác của ông vốn kém từ bẩm sinh nên khó lòng có thể theo các ngành khác như Nội khoa để nghe tim, nghe phổi,… chẩn đoán bệnh. Do vậy ông đã theo ngành Giải phẫu bệnh, nhưng bù lại, ông có đôi mắt cực kỳ tinh anh, có thể ngồi cả ngày bên kính hiển vi, bên những xác chết để phẫu tích, nghiên cứu về các loại bệnh tật. Theo nghề rồi ông đam mê, gắn bó với nó suốt cuộc đời.

Suốt mấy chục năm công tác, từ năm 1938 đến trước khi mất (1994), Giáo sư Vũ Công Hòe vừa là một cán bộ giảng dạy, vừa là bác sĩ phục vụ trong các bệnh viện, đặc biệt ông đã xây dựng Bộ môn Giải phẫu bệnh mà trước kia hầu như chưa có. Trong vai trò là Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu bệnh ở trường Đại học Y cũng như công tác điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, GS Vũ Công Hòe đã phát huy tối đa vai trò của người đứng đầu, luôn tạo không khí dân chủ, gương mẫu trong lối sống cũng như chuyên môn, khuyến khích các đồng nghiệp học trò chuyên tâm vào giảng dạy và nghiên cứu.

Trong hơn nửa thế kỷ công tác, Giáo sư Vũ Công Hòe đã đóng góp đào tạo cho đất nước nhiều thế hệ cán bộ y bác sĩ. Ông không chỉ truyền đạt kiến thức mà chủ yếu là hướng dẫn học trò phương pháp tự học, nhằm đạt hiệu quả tối đa, làm việc đến nơi đến chốn, vừa làm vừa kiểm tra, không làm một cách chung chung, hời hợt và đặc biệt là không giấu dốt. Cho đến những ngày cuối cùng, khi tự đánh giá về quá trình công tác của mình,  Giáo sư Vũ Công Hòe viết: “Không thấy hổ thẹn được giao trách nhiệm trong hơn 50 năm làm cán bộ giảng dạy cho ngành Giáo dục cũng như ngành Y. Và có thể nói không chệch đường về mặt đạo đức cũng như chuyên môn”[1].


[1] Theo bản tóm tắt thành tích GS Vũ Công Hòe tự khai tháng 3-1990. Tư liệu lưu giữ tại gia đình PGS.TS Vũ Công Tuấn.