Đây là chiếc đồng hồ cơ đeo tay hiệu PolJot của Liên Xô sản xuất, do nhà thơ Xuân Diệu tặng GS Nguyễn Đăng Mạnh ngày 5-10-1985.
Khi đang học ở trường Trung học kháng chiến đóng ở Đào Giã, Phú Thọ (1948-1949), Nguyễn Đăng Mạnh có cơ hội được nhìn thấy nhà thơ Xuân Diệu. Khi đó, Xuân Diệu đi khám bệnh tại bệnh viện ở Đại Đồng, có người biết Xuân Diệu nên chỉ cho ông. Xuân Diệu đi xe đạp, mái tóc lượn sóng, nhìn rất thi sĩ. Từ ngày về Hà Nội công tác tại khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Đăng Mạnh có nhiều dịp làm việc với Xuân Diệu. Ông còn nhớ lần đầu tiên gặp gỡ Xuân Diệu là vào năm 1966 tại căn nhà số 24 – Điện Biên Phủ, Hà Nội, khi đó ông viết bài cho tạp chí Tác phẩm mới do Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tô Hoài phụ trách.
Sau này, trong quá trình nghiên cứu, phê bình văn học, ông có nhiều dịp đến làm việc với Xuân Diệu và trở nên thân thiết với nhà thơ lớn này. Trong hồi ký của mình, GS Mạnh viết: Xuân Diệu thỉnh thoảng có một chuyến đi xa, như đi Liên Xô, Pháp hay Ấn Độ gì đó. Bao giờ anh cũng chú ý mua quà về cho những người thân. Nhưng không tùy tiện mà lập danh sách hẳn hoi, và tùy từng người mà tặng các món quà khác nhau. Tôi cũng được nằm trong danh sách ấy. Khi thì một cái áo sơ mi, khi thì một bao thuốc lá ngoại, sang nhất là một cái đồng hồ đeo tay Liên Xô hiệu Poljot.
Nhà thơ Xuân Diệu tặng ông chiếc đồng hồ Poljot vào buổi trưa ngày 5-10-1985, khi ông tới nhà Xuân Diệu để trao đổi về việc đưa sinh viên khoa Văn đến nghe nói chuyện về những tác phẩm thơ của Xuân Diệu tại nhà riêng vào ngày 14-10-1985. Trao đổi công việc xong, Xuân Diệu nói về bài viết “Xuân Diệu niềm khát khao giao cảm với đời” của ông Mạnh viết và được đăng trên báo Văn nghệ. Trong hồi ký của mình, GS Mạnh kể lại: Anh nói tôi viết rất sâu về anh, không có ai viết sâu hơn, tri ân tri kỷ… Anh cho tôi cái đồng hồ đựng trong 1 cái hộp nhỏ vuông có nắp bằng mê ca gì đó. Mình giữ cái này mà đến lúc chết đi thì người ta sẽ bảo mình là thằng ngu, cần gửi làm vật kỷ niệm ở người thân như Mạnh. Xưa Tản Đà vào Nam kỳ, Diệp Văn Kỳ có biếu một nghìn đồng Đông Dương. Một nghìn đồng to lắm, người con Tản Đà nói cha tôi nhận ngay và không cảm ơn gì cả. Người cho tặng nhà thơ và nhà thơ nhận rất tự nhiên như là mình có quyền nhận và chẳng cảm ơn gì hết và người cho cũng không muốn nghe lời cảm ơn khách sáo làm gì. Tản Đà sướng thật! Mình thì không xứng với Diệp Văn Kỳ nhưng Mạnh thì đúng là Tản Đà.