Chuyện nghề địa chất

Các nhà địa chất đã thực hiện biết bao công trình nghiên cứu cơ bản, điều tra lập bản đồ, thăm dò, đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong quá trình phát hiện các mỏ khoáng sản, dầu khí…
Đằng sau mỗi công trình và mỗi phát hiện, dù ở những chuyên ngành địa chất khác nhau như địa mạo, trầm tích, thạch học, cấu trúc… đều là những hành trình gian nan, phải đổ nhiều mồ hôi, công sức cùng sự hy sinh thầm lặng của họ mà người ngoài cuộc chưa biết hết được.
Cuộc đời của nhà địa chất là những chuyến đi, không ít gian khổ, hiểm nguy, nhưng cũng đầy lãng mạn. Những câu chuyện thực địa muôn hình muôn vẻ đều là những kỷ niệm đáng nhớ đối với họ. Như GS.TSKH Tống Duy Thanh (nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) đã khái quát: Đặc điểm dễ nhận biết của người làm địa chất là ăn mặc nhếch nhác; luôn luôn đi ngó nghiêng, quan sát, thấy đá là đập. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài “nhếch nhác” thường thấy đó là sự cống hiến hết mình của nhà địa chất. Ngay cả công việc nghiên cứu ở văn phòng cũng khá thú vị, luôn đòi hỏi ở họ sự nhiệt huyết, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm khoa học cao.
Các hiện vật đa dạng như công cụ, nhật ký, ảnh tư liệu, mẫu đá, bản đồ…được giới thiệu tại tủ trưng bày trong không gian triển lãm ở đây là bằng chứng sinh động về những chuyến khảo sát thực địa và những công trình nghiên cứu, khám phá. 
Những gương mặt địa chất được giới thiệu trong không gian địa chất sẽ giúp chúng ta hiểu hơn phần nào những câu chuyện nghề, chuyện đời…, mà họ đã đối mặt, vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt của rừng sâu, sóng gió biển đảo để vẽ nên những tấm bản đồ, phát hiện ra những mỏ dầu khí, khoáng sản, tài nguyên.