PGS Trần Hữu Quế, chuyên ngành Cơ khí, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Hình học họa hình – vẽ kỹ thuật, khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Năm 2018, PGS Trần Hữu Quế tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam một chiếc huy hiệu trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Đó là chiếc huy hiệu hình chữ nhật đứng, kích thước 1,7cm x 2,5cm, với 3 màu chủ đạo là trắng, đỏ, vàng. Chiếc huy hiệu ra đời từ năm 1960, qua thời gian đến nay đã xỉn màu. Kể về nó, ông bày tỏ niềm tự hào: Đến khi nghỉ hưu, ngoài việc để lại cho thế hệ trẻ một số giáo trình vẽ kỹ thuật, tôi còn để lại một cái huy hiệu sau này trở thành logo của trường Bách khoa.
Mẫu huy hiệu sáng tác năm 1960, nhưng ông Trần Hữu Quế muốn kể câu chuyện của mình bắt đầu từ chuyến đi học ở Trung Quốc năm 1951. Hồi ấy, khi vừa kết thúc học kỳ I lớp 9 trường Huỳnh Thúc Kháng ở Nghệ An, Trần Hữu Quế nhờ đạt kết quả học tập tốt và là một trong những đoàn viên đầu tiên của trường nên được Sở Giáo dục Liên khu IV cử đi đào tạo ở Trung Quốc. Trong số 11 học sinh trường Huỳnh Thúc Kháng được sang Trung Quốc cùng đợt này, còn có Nguyễn Cảnh Dinh, Nguyễn Văn Ích, Tôn Gia Huyên… Theo thông báo, những học sinh này ra Việt Bắc để chỉnh huấn. Vì thời gian lên đường gấp nên Trần Hữu Quế chỉ kịp viết thư nhờ người quen gửi về báo tin cho bố mẹ biết việc mình ra Việt Bắc. Đến nay, ông còn nhớ, hành trang chỉ có chiếc túi vải đựng vài ba bộ quần áo và cuốn sổ nhỏ dùng để ghi chép. Cả đoàn mất 15 ngày đi bộ từ Nghệ An qua Thanh Hóa, Ninh Bình rồi vòng lên Hòa Bình, từ đó vượt sông Đà, đi sang Thái Nguyên và đi tiếp đến Tân Trào ở Tuyên Quang. Mỗi ngày đi được khoảng 30 cây số, ghé vào nhà dân ven đường nhờ nấu ăn và ngủ qua đêm. Đến Tân Trào, mọi người mới biết được cử sang Trung Quốc học. Sau một tháng chỉnh huấn, đoàn học sinh đi bộ lên Đồng Đăng (Lạng Sơn), được xe ô tô của Trung Quốc đón ở cửa khẩu và đưa tới Bằng Tường, rồi lên tàu hoả đi về Quế Lâm. Sau khoá học tiếng Trung 6 tháng tại đây, những người đã tốt nghiệp cấp 3 hoặc học xong chương trình cơ bản ở khu học xá Nam Ninh được tuyển thẳng vào đại học, còn lại phải học bổ túc trước khi vào đại học. Trần Hữu Quế thuộc diện phải học bổ túc. Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, do nhu cầu cán bộ trong nước cấp thiết, nên học bổ túc xong thì họ được chuyển sang học hệ trung cấp nhằm rút ngắn thời gian đào tạo. Một nhóm, trong đó có Trần Hữu Quế, được đưa lên vùng đông bắc Trung Quốc và học về cơ khí tại trường Trung cấp Chế tạo ô tô Trường Xuân ở Cát Lâm.
Năm 1957, sau khi kết thúc đợt thực tập tại xưởng cơ khí của Học viện Ô tô máy kéo ở Trường Xuân, ông Trần Hữu Quế tốt nghiệp và trở về Việt Nam, được điều về trường ĐH Bách khoa, công tác tại bộ môn Hình học họa hình – vẽ kỹ thuật, thuộc khoa Xây dựng. Ông ở tại dãy nhà dành cho cán bộ giảng viên, nhà cấp 4 lợp ngói, tường đất quét vôi. Trong căn phòng rộng khoảng 24 mét vuông, có 3 người ở, mỗi người được trường cấp cho chiếc giường đơn và chiếc bàn nhỏ. PGS Trần Hữu Quế kể lại: Đồ dùng cá nhân khi đó cũng chẳng có gì nhiều, mỗi người chỉ có một vali nho nhỏ, muốn dùng giá sách phải tự đóng. Lúc đó còn độc thân nên cuộc sống tự do lắm, dù thiếu thốn nhưng rất vui, buổi chiều sau giờ lên lớp lại ra sân đá bóng hoặc chơi bóng chuyền.
Vốn học ngành cơ khí động lực, chưa hề có kiến thức về hình học họa hình, nên thầy Trần Hữu Quế cảm thấy khó khăn, bế tắc trong công việc. May là thời kì đó trường Bách khoa có lớp do hai chuyên gia Liên Xô giảng dạy về hình học hoạ hình. Bộ môn bố trí cho ông theo học lớp này. Học qua phiên dịch. Không có buổi lên lớp nào của chuyên gia mà ông vắng mặt. Sau thời gian học với chuyên gia, ông không chỉ được trang bị những kiến thức cơ bản về hình học họa hình – vẽ kỹ thuật, mà còn được tiếp cận một số nội dung nâng cao của lĩnh vực này. Sau đó giảng viên Trần Hữu Quế chính thức được dạy môn hình học họa hình và vẽ kỹ thuật cho sinh viên. Phòng vẽ kỹ thuật của bộ môn thời bấy giờ còn rất đơn sơ, các dụng cụ như compa, êke cũng đều do Liên Xô cung cấp, đến giờ học thì phát cho sinh viên dùng, hết giờ phải thu lại.
Năm 1960, Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu chủ trương trường Bách khoa phải có huy hiệu làm kỷ niệm cho sinh viên tốt nghiệp. Ban giám hiệu phát động cuộc thi thiết kế mẫu huy hiệu, thu hút sự quan tâm của đông đảo thầy và trò trong trường. Thầy Trần Hữu Quế khi đó là cán bộ trẻ, vừa được học hình học học hình – vẽ kỹ thuật, nên cũng hăng hái tham gia. Tại khu tập thể, nhiều buổi tối đồng nghiệp thấy ông trầm ngâm bên ngọn đèn dầu, với cây bút chì trên tay, trước mặt là tập giấy trắng với thước kẻ, thước đo độ, compa. Ông muốn thiết kế chiếc huy hiệu đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa. Nhớ lại thời gian học ở Trung Quốc, ông thấy huy hiệu của ngành đường sắt Trung Quốc chỉ đơn giản là hình đầu tàu có ống khói và đặt trên biểu tượng đường sắt, nhưng trông khá đẹp. Ở Việt Nam, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng vừa kết thúc. Đại hội xác định nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, lấy phát triển công nghiệp nặng làm nền tảng, đồng thời ra sức phát triển công nghiệp nhẹ và nông nghiệp. Vì thế, giảng viên Trần Hữu Quế nảy sinh ý tưởng đưa vào huy hiệu biểu tượng về ngành công nghiệp là hình bánh răng, kết hợp với ngôi sao vàng tượng trưng cho ánh sáng của Đảng.
Hai biểu tượng nói trên rất có ý nghĩa, nhưng ông Trần Hữu Quế cho rằng như vậy chưa đủ, vì còn chưa phản ánh đặc trưng của trường Bách khoa. Ông tiếp tục suy nghĩ, rồi quyết định lấy chiếc compa làm hình ảnh đại diện cho trường đại học kỹ thuật đầu tiên ở miền Bắc. Ông đã biết, trên Quốc huy của Cộng hòa Dân chủ Đức có hình ảnh chiếc compa đại diện cho tầng lớp trí thức. Còn chiếc compa ông sử dụng vào đây mang ý nghĩa khác, như ông giải thích: Nó đại diện cho kỹ thuật công nghiệp, thể hiện sự chính xác và sáng tạo trong thiết kế. Để tăng thêm ý nghĩa, khi thiết kế ông đặt hình compa nghiêng 30 độ trên biểu tượng bánh răng. Ý tưởng này xuất phát từ sự kiện Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên lên quỹ đạo trái đất năm 1957, mở ra kỷ nguyên chinh phục không gian – vũ trụ. Ông dùng thủ pháp cách điệu hình ảnh vệ tinh nhân tạo vào chiếc compa và hình ảnh trái đất vào bánh răng công nghiệp. Chiếc compa nghiêng thể hiện hình ảnh vệ tinh nhân tạo được phóng lên từ trái đất với khát vọng chinh phục vũ trụ của nhân loại và tinh thần vươn lên của thầy trò trường Bách khoa.
Tất cả các biểu tượng nói trên được đặt trên quyển sách mở màu trắng, bên dưới quyển sách có 4 chữ viết tắt tên trường là ĐHBK. Sở dĩ ông chọn hình chữ nhật cho huy hiệu là bởi dễ thiết kế hơn hình tròn hoặc những hình khác. Chính những kiến thức mới học được ở lớp hình học hoạ hình – vẽ kĩ thuật đã là nền tảng giúp ông thiết kế nên chiếc huy hiệu một cách hài hòa, đúng tỉ lệ. Sau nhiều đêm trăn trở về ý tưởng và phát triển thiết kế, ông hoàn thành bản vẽ huy hiệu rồi gửi tới ban tổ chức cuộc thi của trường Bách khoa. PGS Trần Hữu Quế cho biết: Có khoảng 200 mẫu dự thi được trưng bày trong một tuần. Tất cả các bản vẽ đều không có thuyết minh. Sau đó không biết ban giám khảo chấm điểm thế nào, tôi chỉ biết kết quả khi thư ký của hiệu trưởng đến gặp để thông báo đạt giải nhất và trao phần thưởng 20 đồng. Đồng thời, cũng thông qua người thư ký này, ông tiếp nhận góp ý của ban giám khảo để chỉnh sửa một số chi tiết trong bản thiết kế, cụ thể là viết rõ tên trường ĐẠI HỌC BÁCH KHOA, đưa chữ ĐẠI HỌC lên đầu trang sách bên phải, còn trang bên trái dùng màu đỏ tượng trưng cho cờ đỏ sao vàng. Theo chia sẻ của PGS Trần Hữu Quế, phần thưởng 20 đồng là bằng một nửa tháng lương của ông lúc đó. Ông dùng một phần tiền thưởng mua vé mời đồng nghiệp đi xem phim.
Chiếc huy hiệu do giảng viên Trần Hữu Quế thiết kế được chế tạo tại Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo. Bắt đầu từ năm 1960, sinh viên khóa 2 khi nhận bằng tốt nghiệp được tặng huy hiệu để làm kỷ niệm. Cũng từ đó, cán bộ nhân viên và sinh viên của trường thường đeo huy hiệu này nhân các sự kiện quan trọng.
Cũng ngay trong năm 1960, trường ĐH Bách khoa chọn thiết kế huy hiệu của giảng viên Trần Hữu Quế làm logo của trường. Nhiều năm rồi, logo được treo trang trọng ở mặt trước tòa nhà C1 nhìn ra cổng chính bên đường Đại Cồ Việt. Khi máy tính đã trở thành công cụ không thể thiếu đối với các ngành kỹ thuật, có ý kiến đề nghị thay thế logo. Tuy nhiên, lãnh đạo trường Bách khoa quyết định giữ nguyên mẫu logo đã có, bởi nó đã trở thành biểu tượng của nhà trường suốt mấy chục năm. Từ thiết kế ban đầu của tác giả Trần Hữu Quế, KTS Phan Đình Tính – cũng ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội – đã chuẩn hóa các thông số của logo về kích thước, nét vẽ, màu sắc trên phần mềm AutoCAD 2004.
PGS Trần Hữu Quế là chủ nhiệm đề tài chuyển đổi bộ tiêu chuẩn bản vẽ cơ khí sang bộ tiêu chuẩn tài liệu thiết kế (sau trở thành hệ thống tài liệu thiết kế), cũng là người góp công xây dựng bộ môn Hình học họa hình – vẽ kỹ thuật của trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ những ngày đầu. Đến khi nghỉ hưu, ông tự hào về những cống hiến của mình trong lĩnh vực vẽ kỹ thuật cũng như trong giảng dạy, phổ cập kiến thức tiêu chuẩn hóa, và ông cũng tự hào là người thiết kế chiếc huy hiệu sau đó trở thành biểu trưng của trường Bách khoa từ năm 1960 đến nay. Chiếc huy hiệu là kỷ vật quý được PGS Trần Hữu Quế lưu giữ suốt nhiều năm trong một chiếc hộp nhỏ. Ông mong muốn câu chuyện về chiếc huy hiệu này sẽ tiếp tục được kể cho các thế hệ sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ông cũng hy vọng thầy trò trường Bách khoa sẽ vươn lên những tầm cao mới, như thông điệp ông đã thể hiện trên huy hiệu và logo của nhà trường.