Khi nhắc tới quần đảo Trường Sa là nhắc tới hàng trăm đảo nổi, đảo chìm, bãi cạn san hô. Đây luôn là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Hiện nay nếu có dịp tới thăm hoặc quan sát qua các phương tiện truyền thông chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự thay đổi của nơi đây, các đảo được bao phủ bởi một màu xanh của những loài cây: bàng biển, bàng vuông, phong ba… nơi mà hơn 20 năm trước vốn khô cằn, chỉ có một số ít loài cây sinh tồn được. Những sự đổi thay đó một phần đến từ đề tài “Điều tra nghiên cứu tổng hợp vùng quần đảo Trường Sa”. Đây là đề tài cấp Nhà nước do Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật chủ trì, một nội dung quan trọng trong đề tài là trồng cây che chắn và cây bóng mát tại quần đảo Trường Sa do PGS.TS Nguyễn Khắc Khôi và PGS.TS Vũ Xuân Phương được giao trực tiếp thực hiện.
Các thành viên trong nhóm nghiên cứu đã tiến hành nhiều chuyến làm việc tại quần đảo Trường Sa. Dù cơ sở vật chất sinh hoạt thiếu thốn, điều kiện tự nhiên tại các đảo khắc nghiệt nhưng nhóm nghiên cứu đã cùng ăn, cùng ở với lính đảo để tiến hành cải tạo đất, nghiên cứu và trồng các loài cây phù hợp với điều kiện nơi đây. Trong 4 năm thực hiện đề tài (1993-1997), diện tích ở các đảo Trường Sa lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây dần được phủ xanh bằng các loại cây đặc thù như: bàng biển, bàng vuông, phong ba, cây tra, dừa, mù u… Riêng tại đảo Trường Sa lớn đã trồng được khoảng 600 cá thể cây của 8 loài cây thân gỗ. Những loài cây đó không chỉ lá phổi xanh, mà còn là “phên dậu” ngụy trang, che chắn gió cát cho các đảo. Điều này có ý nghĩa lớn về mặt chính trị, xã hội, an ninh-quốc phòng; là tiền đề để nhân rộng trên các tuyến biển đảo của nước ta. Kết thúc đề tài, khi về đất liền PGS Nguyễn Khắc Khôi đã mang theo 5 quả bàng vuông như một món quà kỷ niệm. Năm 2005, hai tác giả PGS.TS Nguyễn Khắc Khôi, PGS.TS Vũ Xuân Phương tham gia chính trong nghiên cứu về trồng cây che chắn và cây bóng mát ở quần đảo Trường Sa đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ của Chủ tịch nước.
Những quả bàng vuông là minh chứng cho sự nỗ lực và thành quả các nhà khoa học, những người đã vượt lên điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt để góp phần xây dựng biển đảo quê hương. Hiện vật này cũng là lời gợi nhắc du khách tham quan và thế hệ trẻ Việt Nam về Trường Sa, một phần chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.