Chiếc khăn Piêu là kỷ vật gợi nhớ về thời gian GS Nguyễn Ngọc Lung làm chủ nhiệm dự án "Phát triển Lâm nghiệp xã hội sông Đà" (1994-2004). Đây là dự án hợp tác kỹ thuật kéo dài trong 12 năm (1992-2004) do Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (viết tắt là GTZ- The Deutsche Gesellschaft fur Technische Zusammenarbeit) tài trợ và phối hợp với Bộ Lâm nghiệp thực hiện tại hai tỉnh Sơn La và Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu).
Năm 1998, cố vấn trưởng giai đoạn 3 của dự án là Thứ trưởng Bộ Hợp tác quốc tế Đức – TS Ekle Fruster lên thăm huyện Yên Châu (Sơn La) và huyện Tủa Chùa (Lai Châu). Bà Viên – Bí thư huyện ủy Yên Châu đã nhờ GS Nguyễn Ngọc Lung tư vấn về việc đón tiếp đoàn. GS Nguyễn Ngọc Lung gợi ý: để thể hiện sự hiếu khách, bên cạnh tổ chức tiệc, văn nghệ có thể chọn một vật phẩm nào đó do các cô gái Thái dệt để làm quà kỷ niệm. Chiếc khăn Piêu là sản phẩm in đậm bản sắc của dân tộc Thái đen ở Sơn La, không chỉ là trang phục mà còn là biểu tượng của tín ngưỡng. Vì vậy, bà Viên lựa chọn nó làm quà kỷ niệm cho các vị khách. Dịp này, GS Nguyễn Ngọc Lung cũng được tặng một chiếc.
Một lần xem truyền hình thấy ca sĩ Tùng Dương hát ca khúc "Chiếc khăn Piêu", GS Nguyễn Ngọc Lung nhớ tới chiếc khăn năm nào nên đã tìm lại và trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Để hiểu kỹ hơn câu chuyện xoay quanh chiếc khăn, đặc biệt là những kỷ niệm trong quá trình triển khai dự án "Phát triển Lâm nghiệp xã hội sông Đà", kính mời quý vị đến thăm Triển lãm tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại Hòa Bình