Chiếc khăn thêu của PGS.TS Trần Vĩnh Phúc

PGS.TS Trần Vĩnh Phúc sinh năm 1936 tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ông là nhà khoa học chuyên ngành Văn học, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Văn học Nga và  Đất nước học Nga (1961 – 1996), khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, trường Đại học  Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông được cấp bằng Tiến sĩ ngữ văn năm 1976, được phong học hàm Phó giáo sư năm 1991.

PGS Trần Vĩnh Phúc, dành tìm cảm sâu đậm cho đất nước Nga, nơi ông đã gắn bó suốt những năm tháng tuổi trẻ, thời nghiên cứu sinh cho đến những năm công tác sau này. Giai đoạn là nghiên cứu sinh tại trường Đại học Sư phạm Lênin ở Moskva (1973 – 1976), ông còn được Đại sứ quán Việt Nam cử làm Phó bí thư Thành đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, phụ trách về công tác đối ngoại. Tháng 11-1976, sau khi tham dự hội nghị quốc tế đoàn thanh niên các nước xã hội chủ nghĩa, ông cùng Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đi thăm quan một nông trang ở ngoại ô Moskva.

Khi xe dừng lại ngay trước cửa nông trại, đoàn chủ nhà bước đến đón tiếp nồng nhiệt, tặng hoa và mời khách một khay bánh mì với bát muối nhỏ, phía dưới khay phủ một tấm khăn thêu. Trưởng đoàn Việt Nam hôn lên chiếc bánh mì, bẻ một mẩu bánh chấm vào bát muối nhỏ rồi thưởng thức ngon lành. Sau nghi thức đó, chủ và khách mới tay bắt mặt mừng, vui vẻ chào hỏi, làm quen và dắt tay nhau vào nhà. Sau buổi giao lưu, ông Phúc được tặng chiếc khăn thêu cùng chiếc bát nhỏ đựng muối để làm kỷ niệm.

Theo PGS Trần Vĩnh Phúc, ngôn ngữ và văn hóa Nga là hai vấn đề mật thiết luôn được ông quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu, là cơ sở để sau này ông đề xuất xây dựng bộ môn Văn học Nga và Đất nước học Nga. Và chiếc khăn thêu là một trong những món quà ý nghĩa, gắn với hình ảnh xứ sở Bạch Dương được ông gìn giữ hơn 40 năm qua.