Tờ giấy khen và bức ảnh của GS.TS Vũ Đình Lai

Vũ Đình Lai được phân về Đoàn 3, tên gọi chính thức là “Đoàn nghiên cứu đường sá V”. Đoàn này chịu trách nhiệm tại các đoạn Phù Yên – Vạn Yên, Vạn Yên – Xồm Lồm và Mộc Châu – Pa Háng. Tuyến Phù Yên đi Xồm Lồm qua sông Đà là tuyến mở mới, để thông xe từ Việt Bắc xuống Liên khu III, Liên khu IV và sang Thượng Lào. Nhiệm vụ nặng nề như vậy, nhưng cả đoàn chỉ có vài ba chục người, do kỹ sư Nguyễn Đình Hiền (thường gọi theo bí danh là Nguyễn Đình) làm Đoàn trưởng và ông Quang Sơn làm Đoàn phó. Lúc này, ông Vũ Đình Lai nhận nhiệm vụ về phòng Kỹ thuật. Công việc cụ thể ở phòng này là nhận số liệu và bản vẽ từ những người khảo sát rồi tiến hành lên trắc dọc, trắc ngang, vẽ bình đồ, tính toán khối lượng.

Ảnh GS Vũ Đình Lai cùng hai kỷ vật minh chứng cho sự đóng góp của ông với chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)

Chỉ trong khoảng một tháng, Vũ Đình Lai đã thuần thục mọi công việc của phòng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, thậm chí còn có sáng kiến để tính toán số liệu nhanh gấp 3 lần. Vì vậy, Trưởng phòng Trần Luân tín nhiệm đến mức mỗi khi đi vắng thường giao cho ông phụ trách phòng.

Khi khảo sát xong ở đoạn Phù Yên – Vạn Yên cũng là lúc Ban chỉ huy đoàn khảo sát quyết định thành lập nhóm chỉnh lý lộ tuyến. Nhóm này phải đi ngược lại Phù Yên khoảng 20 cây số, để chỉnh lý lại một số đoạn tuyến theo bản vẽ, nhằm giảm bớt khối lượng đào đắp cho những đoạn tuyến đó, mà tất cả phải thể hiện trên bình đồ. Ông Lai được Trưởng đoàn Nguyễn Đình Hiền giao cho làm trưởng nhóm. Cán bộ ngày ngày miệt mài trắc đạc và dùng các cọc tiêu để cắm tuyến, xác định các vị trí cho con đường. Buổi đầu tiên ra hiện trường, nhóm chưa có kinh nghiệm nên cả một ngày chỉ cắm được một đoạn đường cong, nhưng dần dần họ rút kinh nghiệm nên công việc tiến triển, ngày nào cũng có báo cáo số liệu gửi về phòng Kỹ thuật.

Thời gian này, Pháp tăng cường lực lượng quân sự lên Điện Biên Phủ. Có lần, khi ông Lai đang đứng giữa đám cây chó đẻ và mải đo một đoạn đường vòng thì bất chợt máy bay Pháp xuất hiện trên đầu. Gió từ cánh quạt máy bay làm đổ rạp cỏ cây, ông bẻ vội mấy ngọn chó đẻ phủ lên chiếc máy đo để ngụy trang rồi đứng im để tránh bị phát hiện. May là quân Pháp trên máy bay đã phát hiện điều gì khả nghi ở phía bờ suối nên chúng bắn xối xả xuống đó rồi bay đi.

Đầu tháng 1-1954, nhóm chỉnh lý lộ tuyến hoàn thành việc thăm dò, khảo sát, lập hồ sơ khối lượng thi công và gửi cho công trường phụ trách đoạn Phù Yên – Vạn Yên. Mồng 4-1, ông Nguyễn Đình Hiền tổ chức họp tổng kết Đoàn 3 trước khi chuyển sang khảo sát đoạn từ Mộc Châu đi Pa Háng ở khu vực biên giới Việt Nam – Lào. Tại buổi tổng kết, bác Hiền đúc rút kinh nghiệm rồi bất ngờ gọi vài người có thành tích làm việc tốt lên để phát giấy khen. Trong số những người được khen hôm ấy có Vũ Đình Lai.

Trên công trường Tây Bắc, sống một khoảng thời gian trong không khí sôi động của ngoại vi chiến dịch Điên Biên cùng với bộ đội, dân công, thanh niên xung phong, thì Vũ Đình Lai được gọi về Bộ để đi học tiếp. Thế nhưng cuối cùng ông lại được điều về Tổng Cục Đường Sắt vừa mới được tái thành lập để khảo sát lại, cắm tuyến, đặt ray khôi phục tuyến Yên Viên- Mục Nam Quan. Ở Tổng Cục Đường sắt, lúc đó còn đóng ở thị xã Bắc Giang, ông Vũ Đình Lai được một cán bộ ở Tổng cục tặng bức ảnh cầu treo sông Thương đầu năm 1954 – là mạch nối giao thông chi viện lương thực, vũ khí cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức ảnh lịch sử ấy được ông Vũ Đình Lai gìn giữ cẩn thận và tặng cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Mỗi khi nhắc nhớ về hai kỷ vật là giấy khen và bức ảnh chụp cầu sông Thương, GS Vũ Đình Lai lại tự hào cho rằng: Dù không trực tiếp tham gia, nhưng bản thân đã góp sức nhỏ bé của mình vào công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.