Ký họa của PGS Trần Mạnh Chí

Ngày đó Trần Mạnh Chí là y tá Trung đoàn Sông Lô, Đại đoàn 312 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo ông, công tác triển khai quân y ở Điện Biên Phủ là hoàn toàn mới so với các chiến dịch trước. Có rất nhiều việc được thực hiện liên tục, gối đầu nhau từ việc bảo vệ sức khỏe cho bộ đội hành quân đường dài, đến khi vào trận đánh, cứu chữa vận chuyển thương, bệnh binh trong giai đoạn làm đường, kéo pháo, đào công sự; đào hào đánh lấn; chống phi pháo, tiến công các cứ điểm, tổng công kích…

Bức ký họa cháu Phùng và bức ảnh Y tá Trần Mạnh Chí (bên trái) trên chiến hào Điện Biên Phủ

Đại đội được chia thành các tổ: chọn lọc; chữa choáng và sau mổ; phòng mổ thay băng. Trần Mạnh Chí ở tổ chọn lọc, cấp cứu thương binh, thường xuyên đi men giao thông hào ra ngã ba cây đa Noong Bua nơi đặt trạm cấp cứu, đón thương binh, xử lý, phân loại chuyển về tuyến sau. Đêm trước ngày kết thúc chiến dịch ở khu trung tâm lòng chảo Mường Thanh, bỗng diễn ra rất ác liệt. Ông cùng y sĩ Si lội dưới giao thông hào ở Trạm Cấp cứu cây đa Noong Bua bùn nước ngập đến đầu gối. Pháo nổ liên hồi, đạn lửa bay vèo vèo trên đầu. Sao đêm nay có nhiều thương binh nặng thế! Các thương binh qua tuyến giao thông hào chuyển về dồn dập, hầu hết chưa được băng bó, quan sát vết thương của các anh dưới ánh pháo sáng và chớp đạn thấy mặt ai cũng đầy máu và bùn đất, có người trên đầu còn cả não trắng chảy ra. Ông cùng đồng đội cứ lặp đi lặp lại động tác sờ mò từng thương binh, lau tạm bùn máu, băng chặt cầm máu, rồi khẩn trương đưa anh em về trạm cấp cứu.

Chiến tranh qua đi, hòa bình trở lại nhưng có biết bao đồng đội của ông đã ngã xuống, trong đó có hai cha con cháu Phùng mất trong trận đánh Him Lam. Hơn 10 năm sau, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi bác sĩ Trần Mạnh Chí tham gia đội điều trị 35, Sư đoàn 471, Đoàn 559 đóng quân bên bờ sông Bạc, thuộc tỉnh Sekong, Lào – khu vực ngã ba Đông Dương, Cự Nẫm, Quảng Bình, ông đã hồi tưởng lại hình ảnh cháu Phùng và ký họa bằng bút bi, trong đó có chú thích rõ: Cháu Phùng (6 tuổi), con đồng chí T.B. Cả hai đã mất trong trận đánh Him Lam, Điện Biên Phủ.

Đã 70 năm kể từ này chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, vị bác sĩ quân y ấy không thể nhớ cháu Phùng và cha của cháu là ai, nhưng bức họa năm ấy của ông vẫn còn đậm nét mực ghi dấu lại hình ảnh của một cô bé trong trận chiến Điện Biên Phủ lịch sử.

Trong cuộc trò chuyện qua điện thoại của nghiên cứu viên Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam với PGS Trần Mạnh Chí sáng 15-4-2024, khi biết bức tranh ký họa cháu Phùng sẽ được trưng bày trong Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, vị bác sĩ quân y năm xưa rưng rưng xúc động. Ông bộc bạch: Thật đáng trách khi ở tuổi này có lúc nhớ lúc quên và ông không thể nhớ hai cha con cháu Phùng. Nhưng ông mãi tin đã có một cháu bé đáng yêu như thế đi qua cuộc đời ông.