Trở về nước với bằng Phó tiến sĩ xuất sắc (1984) , ông Quý đảm nhiệm chức Trưởng phòng Di truyền và tế bào, Trung tâm Di truyền nông nghiệp do TSKH Phan Phải làm Giám đốc. Thời gian này, ông cùng TSKH Phan Phải, KS Bùi Huy Thủy, KS Nguyễn Văn Bích nghiên cứu thử nghiệm thành công giống DT10 ở Từ Liêm với diện tích 5ha. DT10 viết tắt là di truyền, dòng số 10, ưu điểm là cứng cây, năng xuất cao, chống đạo ôn, bạc lá, năng suất, chất lượng vượt trội so với giống lúa Nông nghiệp 8.
Năm 1989, TSKH Phan Phải qua đời đột ngột nên nội bộ của Trung tâm Di truyền nông nghiệp có nhiều mâu thuẫn về nhân sự kế nhiệm. Quá trình sắp xếp lại đồ đạc trong phòng làm việc của TSKH Phan Phải, mọi người tìm thấy quyết định đề bạt ông Trần Duy Quý là Phó Viện trưởng nhưng chưa kịp trình cấp trên. Đến năm 1989, quyết định số 281-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã chính thức chuyển Trung tâm Di truyền Nông nghiệp thành Viện Di truyền nông nghiệp, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Bấy giờ, GS.TSKH Vũ Tuyên Hoàng đảm nhiệm chức Viện trưởng.
Ngày 23-10-1990, ông Trần Duy Quý nhận được quyết định cử đi thực tập sinh cao cấp tại Viện Di truyền Đại dương, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. GS.TSKH Trần Duy Quý cho biết, việc nhận giấy báo đi thực tập khoa học là điều may mắn với ông trước tình hình mâu thuẫn nội bộ của Viện lúc đó. Bấy giờ là đợt cuối cùng NCS, thực tập sinh của Việt Nam sang Liên Xô được tài trợ kinh phí học tập, nghiên cứu. Thời kỳ này, ông Quý đi máy bay từ sân bay Nội Bài đến sân bay quốc tế Sheremetyevo (Moskva). Ông nhớ chuyến bay đó có một số cán bộ ở trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (ông Dương Đức Tiến, Phạm Bình Quyền, Nguyễn Như Hiền và ông Thanh (trường ĐH Mỏ- Địa chất).
Trước đó, để chuẩn bị cho chuyến đi, ông Quý đã soạn thảo đề cương nghiên cứu về sử dụng các đột biến vào nghiên cứu di truyền và chọn tạo giống lúa Oryza sativa, với mong muốn có thể bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trong thời gian thực tập sinh cao cấp. Bởi vậy, ông đã chuẩn bị mang theo các tài liệu ghi chép, phim ảnh chụp quá trình sinh trưởng phát triển đột biến thực nghiệm ở lúa mà ông nghiên cứu ở Việt Nam, các mẫu chưa xử lý đột biến như DT10, DT11, DT13, A20, DB250, DV2, MT1, MT4, DCM1, DCM2…để dự kiến sang Liên Xô sẽ mang đi kiểm tra phân tích.
Ông Quý chủ động liên hệ trước với thầy hướng dẫn luận án Phó tiến sĩ nhưng người thầy này chưa có học vị Tiến sĩ khoa học (TSKH) nên không đủ tiêu chí hướng dẫn ông. Sau đó, ông Quý được giới thiệu đến gặp GS.Viện sĩ I.A.Rapopout, Viện trưởng Viện Hóa lý, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô để nhận thầy hướng dẫn. Thật trớ trêu, người thầy này đã sớm qua đời sau một vụ tai nạn mà đơn vị này chưa bố trí được người hướng dẫn cho ông Quý. Tuy nhiên, đề cương nghiên cứu của ông Quý may mắn đã được thầy hướng dẫn thông qua trước đó.
Đề tài của ông Quý tiếp tục phát triển theo hướng nghiên cứu từ luận án Phó tiến sĩ với tên: “Nghiên cứu và sử dụng các đột biến vào nghiên cứu di truyền và chọn tạo giống lúa Oryza sativa”. Ông cho rằng, hướng nghiên cứu này thời nghiên cứu sinh chưa đi sâu nghiên cứu tác động của yếu tố hóa lý đến tế bào phân tử; chưa chứng minh mỗi kiểu gel khác nhau sẽ có phản ứng khác nhau trước tia phóng xạ và các chất gây đột biến.
Tháng 3-1992, ông Quý dự Hội nghị khoa học về ứng dụng các hợp chất hóa học tạo đột biến cây trồng toàn Liên Bang Nga. Ông đã gặp gỡ GS.TSKH N.N.ZoZ (Trưởng khoa phát sinh đột biến thực nghiệm, Viện Di truyền Đại cương). Qua trao đổi, vị giáo sư này giới thiệu cho ông Quý về GS.TS T.V Sannhicova (Viện Hóa lý, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô). Ông Quý đã trình bày nguyện vọng và được bà Sannhicova đồng ý là cố vấn khoa học cho luận án.
Dựa trên số liệu nghiên cứu về giống lúa Oryza sativa mang từ Việt Nam sang, ông tiến hành các thí nghiệm đột biến thực nghiệm trên giống lúa này. Đây là giống lúa phổ biến ở nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Mỗi ngày, ông Quý làm việc trung bình 14-15 tiếng, đi thư viện Lê Nin đọc sách, làm tiếp các thí nghiệm ở Viện Di truyền đại cương. Đồng thời, ông sang Viện Hóa lý thử nghiệm các tác nhân gây đột biến để xử lý, tính toán số liệu thống kê, đánh máy các bản nháp luận án. Ông cho biết, ở tầng 1 của Viện này có nhà ăn, phòng thí nghiệm có sữa uống nên ông hạn chế ra ngoài. Ông cũng đến thực tập ở Đại học Nông nghiệp, Krasnodar, Liên Xô. Tại đây, ông được quan sát các mẫu cây, phân tích tế bào, đánh giá sinh trưởng phát triển. Ông Quý đã đầu tư mua hai chiếc máy đánh chữ tiếng Anh, tiếng Nga để sử dụng. Sau 6 tháng ông đã đánh máy xong bản thảo luận án để nhờ giáo viên hướng dẫn xem, chỉnh lại văn phong, ngữ pháp. GS T.V Sannhicova yêu cầu ông cần bổ sung thêm ảnh và các dữ liệu về nguồn gốc các giống lúa. Ông đã chủ động liên hệ với KS Bùi Huy Thủy, Viện Di truyền nông nghiệp hỗ trợ, gửi các mẫu dòng lúa đột biến ở Việt Nam, giấy chứng nhận giống lúa đột biến sang Liên Xô để bổ sung. Sau khi nhận góp ý của giáo viên hướng dẫn, ông Quý đã thuê bà Popova ở Moskva đánh máy lại hoàn chỉnh. Giá thuê đánh máy luận án là 1 rúp/trang, rất tốn kém, nhưng số tiền này do Việt Nam chi trả.
Sau 3 lần chỉnh sửa bổ sung, GS T.V Sannhicova đã đồng ý cho ông Quý bảo vệ thử tại Viện Nông nghiệp Lênin, Moskva. Hội đồng chấm ủng hộ đề tài của ông cho phép bảo vệ thử thành công. Đến giữa tháng 9-1992, Ban Chủ nhiệm khoa Phát sinh đột biến hóa học của Viện Hóa lý, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã đánh giá luận án có thể bảo vệ chính thức tại viện này. Ông Quý đã gửi luận án nhờ cô giáo hướng dẫn xem lại lần cuối trước khi gửi Hội đồng bảo vệ chính thức. Ông Quý đã gửi bản tóm tắt luận án đến 120 thành viên ở các trường, viện liên quan đến ngành di truyền chọn giống theo gợi ý của giáo viên hướng dẫn. Luận án gồm các chương như sau:
Chương 1: Tổng quan tài liệu
Chương 2: Lịch sử nghiên cứu đột biến
Chương 3: Cơ chế tác động của các tác nhân gây đột biến vật lý hóa học
Chương 4: Các thành tựu của nghiên cứu di truyền chọn giống đột biến
Chương 5: Các định hướng nghiên cứu của Liên Xô và thế giới cũng như Việt Nam
Chương 6: Tổng quan chọn giống ở cây lúa
Chương 7: Vật liệu và phương pháp nghiên cứu
Chương 8: Kết quả thảo luận
Chương 9: Các nghiên cứu về mặt tế bào học và các đột biến nhiễm sắc thể
Chương 10: Nghiên cứu tính đặc hiệu của các tác nhân vật lý hóa học đến sinh trưởng và phát triển cây lúa từ lúc nảy mầm đến thu hoạch
Chương 11: Ưu thế lai các đột biến bất dục đực và ứng dụng trong chọn tạo giống lúa lai.
Ngày 9-12-1992 ông Quý bảo vệ chính thức luận án được hội đồng 27 thành viên tham gia chấm, đánh giá xuất sắc.
GS Trần Duy Quý cho biết luận án có ý nghĩa lý luận: Khẳng định được đột biến thực nghiệm là phương pháp có hiệu quả cao trong chọn tạo giống cây trồng, trong đó có cây lúa.
Ý nghĩa thực tiễn: bằng phương pháp đột biến thực nghiệm đã chọn được nhiều giống lúa mới có năng suất chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh. Lần đầu tiên khẳng định được ở lúa trồng oryza chỉ có một cặp nhiễm sắc thể số 11 mang thể kèm chứ không phải hai cặp như công bố; Phát hiện ra được quy luật, tính đặc hiệu của tác nhân gây đột biến hóa học so với các tác nhân vật lý là tia gama ở tần số và phổ đột biến diệp lục hiếm; Phát hiện ra được những đột biến trội, liên kết chặt với các gel có lợi cho công tác chọn giống như bông to, khối lượng hạt lớn, thấp cây chống đổ tốt và mùi thơm.
Sau khi bảo vệ xong luận án 22 ngày, ông Quý phải hoàn thiện luận án để nộp lại cho Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô để hậu kiểm, cấp bằng. Ngày 31-12-1992, ông trở về nước tiếp tục công tác tại Viện Di truyền nông nghiệp. Tháng 4-1993, ông trở lại Liên Xô để nhận bằng. Bấy giờ ông Quý chỉ đánh máy nộp lại các bản luận án ở các đơn vị (bắt buộc). Ba bản đẹp nhất nộp cho thư viện Lênin; Viện Hóa lý và Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô; những bản còn lại được ông photocopy gửi các thầy phản biện. Ngoài ra, ông mang hai bản photocopy (ảnh minh họa trong luận án là ảnh gốc) và một bản gốc để mang về nước.
GS Trần Duy Quý kể thêm, thời gian làm thực tập sinh cao cấp ở Liên Xô, ông được Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô sắp xếp ở một phòng trong khu tập thể của Viện để tập trung nghiên cứu. Ông có thể nấu nướng hoặc ăn cơm ở bếp tập thể. Hồi ấy, ông được hỗ trợ 180 rúp/ tháng. Tuy nhiên, nền kinh tế Liên Xô lâm vào tình cảnh khó khăn, đồng tiền bị mất giá. Ông Quý phải chi tiêu tiết kiệm để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt. Sau khi trừ đi tiền ăn và phí sinh hoạt khác, trung bình ông Trần Duy Quý tiết kiệm được vài chục rúp/tháng, gần bằng giá tiền mua một chiếc xe đạp. Vì không thể gửi tiền trực tiếp về nhà, nên ông dành dụm tiền, thỉnh thoảng ông mua một ít quần áo, thuốc và đồ dùng gửi bạn bè qua đường hàng không về cho gia đình ở Việt Nam. Thời gian thực tập ở đây, ông được bạn bè giúp đỡ mách đổi tiền để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, có lần ông đã bị lừa mất 10.000 USD đổi từ rup sang USD.
Ngày 31-5-1993, ông Quý được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp. Đây là cơ sở thuận lợi để ông phát triển những ý tưởng từ luận án tiến sĩ vào thực tiễn. Ông đã định hướng nghiên cứu cho Viện qua việc thành lập các phòng nghiên cứu như: Đột biến ưu thế lai; Di truyền tế bào; Kỹ thuật di truyền và sinh học phân tử; Di truyền và kỹ thuật vi sinh; Di truyền chọn giống cây trồng cạn; Trung tâm công nghệ thực vật; Di truyền và công nghệ vi sinh. Viện Di truyền nông nghiệp nghiên cứu tập trung vào ứng dụng di truyền, công nghệ di truyền trong chọn tạo cây trồng có năng suất cao cây lương thực/cây thực phẩm/ cây ăn quả/ nấm ăn và nấm dược liệu; Tập trung sản xuất chế tạo chế phẩm sinh học phục vụ chăm sóc cây trồng, thuốc sâu sinh học, các bộ kit chẩn đoán; Bám chắc công nghệ nền tảng như công nghệ gel, đột biến, tế bào, vi sinh, enzyme.
GS Trần Duy Quý tâm sự: “Về thực chất đi thực tập sinh cao cấp chỉ được tiêu chuẩn một năm. Tuy nhiên tôi đã xin thêm một năm với mong muốn hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học. Tôi đã phải gồng mình khắc phục khó khăn vì thầy hướng dẫn đột ngột qua đời, tất cả phải tự lực đến 80 %. Vì vậy, mỗi ngày tôi tập trung cao độ 14-16 tiếng để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng như đọc sách. Nếu không nỗ lực như vậy thì làm sao có thể hoàn thành trong 2 năm. Ngược lại, nếu tôi bỏ cuộc chấp nhận về tay trắng thì thật xấu hổ”.[1].
GS.TSKH Trần Duy Quý lưu giữ cuốn luận án tiến sĩ của mình từ đó đến ngày 19-5-2017 tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[1] TL ghi âm GS.TSKH Trần Duy Quý ngày 13-10-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.