Năm 1963, chàng trai Nguyễn Thái Hòa đang là giáo viên môn văn học ở khoa Văn- Sử, trường Trung cấp Sư phạm 7+2 Hà Tĩnh, còn Nguyễn Thị Hương Giang là sinh viên năm cuối của khoa. Thời gian này, thầy Hòa chưa dành tình cảm sâu đậm cho cô gái nào, mà chỉ tập trung dạy học cho tốt. Ông Hòa tâm sự: Thời ấy thì nhiều người thích tôi lắm, trong đó có em Nga là sinh viên của trường, quê gốc ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nga được bạn bè ví như nàng Kiều của Nghi Xuân vì đẹp. Cô ấy có bộ tóc rất dài, làn da trắng hồng. Tôi cũng đem lòng yêu mến nhưng mọi người có ý kiến là những người nhan sắc như vậy hay gặp truân chuyên, khổ sở, nên tôi cũng lưỡng lự[1]. Sau đó, thầy trò khoa Văn sử đi thực tập sư phạm ở trường Trung học Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tại đây, thầy Hòa được nhà trường bố trí ở trọ nhà của sinh viên Nguyễn Thị Hương Giang. Mẹ của Hương Giang là người rất phúc hậu nhưng có tật nói nhịu từ “con trâu”. Anh trai của Hương Giang đang công tác ở trường sân khấu điện ảnh (về sau con là nghệ sĩ Khánh Huyền). Thầy giáo trẻ Nguyễn Thái Hòa đem lòng yêu mến cô học trò Hương Giang, nhưng vì muốn phấn đấu giảng dạy để có cơ hội về công tác ở Đại học sư phạm Hà Nội, nên chưa nghĩ nhiều đến việc lập gia đình. Tuy nhiên, chuyện tình cảm của hai người được cả đồng nghiệp và gia đình vun vén. Ông Hòa kể: Khi gia đình biết chuyện, bố mẹ ông đã cử con nuôi là trung tá Phạm Dương (bố đẻ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện nay) đạp xe đến tận nhà Hương Giang để xem mặt, và khuyên ông nên cưới sớm. Từ năm 1964 – 1967, thầy giáo Nguyễn Thái Hòa chuyển công tác sang trường Sư phạm 10+2 Thanh Hóa. Hương Giang thi đỗ vào học trường này và hai người có nhiều thời gian gặp gỡ, tìm hiểu nhau Thầy Hòa nhận thấy Hương Giang là người khéo léo, biết chăm sóc chu đáo cho gia đình, đặc biệt nấu ăn ngon. Ngày 17-7-1966, đám cưới được Công đoàn trường đứng ra tổ chức ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.. Do đang thời chiến, việc đi lại khó khăn nên gia đình chú rể chỉ có em trai và anh con nhà bác có mặt; nhà gái thì có bố mẹ và các anh chị của Hương Giang. Trước đám cưới, Hương Giang nhờ chị dâu là Phạm Ngọc Hà đang công tác ở Nhà xuất bản Tiến bộ in cho 30 tờ thiếp mời và mua bánh kẹo ở Hà Nội mang về. Kể về đám cưới của mình, ông Hòa tâm sự: Đám cưới tiệc ngọt, đơn giản nhưng ấm cúng[2].
Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm 10+2 Thanh Hóa, bà Giang ra trường và làm giáo viên tại trường cấp 2 Vĩnh Ninh của tỉnh này, rồi sau đó về dạy ở trường Trung cấp Sư phạm 7+2 Thanh Hóa. Ông Hòa nhớ lại thời gian khổ cực: Tôi còn khiếp mãi bữa cơm chỉ có rau muống, có hôm nhai mãi không nuốt được hóa ra con đỉa. Khổ vậy nhưng chiến trường miền Nam còn khốc liệt và vất vả hơn nhiều nên vợ chồng vẫn động viên nhau vượt qua[3]. Năm 1976, ông Nguyễn Thái Hòa được chuyển ra giảng dạy tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi ổn định chỗ ở và công việc, ông cũng xin được cho bà Giang về trường Đại học Sư phạm Hà Nội công tác.
Tấm thiếp này là thiếp ông Hòa gửi mời bà Từ – một cán bộ cùng trường Sư phạm 10+2 Thanh Hóa. Đây là tấm thiếp mời cưới duy nhất của vợ chồng ông còn giữ lại được đến nay.
Ngày 5-3-2016, PGS.TS Nguyễn Thái Hòa tặng tờ thiếp cưới nói trên cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.