Tập tài liệu về đề tài cấp nhà nước KX.10.01

Sau Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), bên cạnh chủ trương đổi mới kinh tế, Đảng cũng nhấn mạnh đổi mới vấn đề giáo dục: “Đổi mới đội ngũ cán bộ giảng dạy, viết lại sách giáo khoa và đổi mới phương pháp dạy và học”[1]. Tuy nhiên, do thiếu tiền và cơ sở vật chất nên chủ trương đổi mới giáo dục của Đảng chưa được thực hiện, nhất là việc giảng dạy triết học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhà trường. Tháng 12-1991, chế độ XHCN Liên Xô sụp đổ gây hoang mang trong xã hội Việt Nam và nhiều người có suy nghĩ phải xem lại triết học Mác – Lênin. Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh được thành lập, do ông Đào Duy Tùng – Bí thư Trung ương Đảng làm Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng gồm 5 ban biên soạn giáo trình là: Triết học Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ban Triết học Mác – Lênin do GS Nguyễn Duy Quý (Viện trưởng Viện KHXH Việt Nam) làm Trưởng ban, được Hội đồng phân cho đề tài Triết học Mác – Lênin trong thời đại ngày nay và nội dung bộ Giáo trình quốc gia về triết học, đề tài mang mã số KX.10.01, do GS Nguyễn Duy Quý làm Chủ nhiệm; tham gia có PGS.TS Dương Phú Hiệp là Phó ban và các thành viên khác: PGS.TS Nguyễn Ngọc Long – Trưởng khoa Triết, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đăng Quang – cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương, PGS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn – Viện trưởng Viện Triết học…

Ngày 9-11-1992, Ban biên soạn giáo trình Triết học tổ chức hội thảo lần đầu về vấn đề Quan niệm về phương pháp xây dựng bộ giáo trình chuẩn quốc gia về bộ môn Triết học, do ông Đào Duy Tùng chủ trì. Có nhiều NKH tham gia hội thảo: ông Đặng Xuân Kỳ – Viện trưởng Viên Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đình Tứ – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Đức Bình – Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh… Mọi người thảo luận các vấn đề: Nên gọi là sách hay giáo trình, hay giáo khoa ?; Có nên gọi là giáo trình chuẩn quốc gia không ?; Khả năng biên soạn giáo trình quốc gia về triết học…, tập trung nhất vào hai vấn đề: Biên soạn giáo trình triết học hay giáo trình triết học Mác – Lênin ?; Biên soạn giáo trình trình triết học hay giáo trình các khoa học triết học ?. Khi mọi người thảo luận việc nên dạy triết học hay triết học Mác – Lênin, dạy kinh tế chính trị hay dạy kinh tế chính trị học Mác-Lênin, GS Hiệp phát biểu bài Góp phần thảo luận quan niệm và phương pháp xây dựng giáo trình quốc gia về Triết học ở Việt Nam, trong đó nêu ý kiến: ‘‘Nên dạy triết học trong đó dạy là triết học Mác – Lênin là chủ yếu, và môn kinh tế chính trị cũng vậy’’[2]. Cuối buổi thảo luận, khi bỏ phiếu để thống nhất quan điểm, Hội đồng có 13 người thì 11 phiếu chống lại ý kiến của ông Hiệp, 1 phiếu trắng của ông Nguyễn Đình Tứ. Ông Tùng hỏi lý do GS Tứ bỏ phiếu trắng thì được trả lời rằng:  ‘‘Đây là vấn đề khó, để tôi suy nghĩ thêm’’, nhưng theo GS Hiệp nhìn nhận: ‘‘Ông Tứ muốn giúp đỡ tôi nhưng không dám nói ra’’[3]. Ông tưởng bỏ phiếu xong là kết thúc cuộc họp, nên sau đó trở về cơ quan làm việc. Buổi trưa, GS Nguyễn Duy Quý gọi điện bảo ông Hiệp tới gặp. Khi ông đến, GS Quý cho biết: ‘‘Ông Nguyễn Đức Bình và ông Đào Duy Tùng có nhắn tôi hỏi lại anh lý do vì sao anh không đồng ý giảng dạy triết học Mác – Lênin’’[4]. Ông Hiệp nổi cáu trả lời: ‘‘Hôm đó anh cũng tham gia, tôi có nói là không giảng triết học Mác – Lênin không, hay tôi nói cần phải chú trọng giảng dạy triết học Mác – Lênin, chúng ta dạy thêm các triết học khác nhằm hiểu rõ hơn triết học Mác – Lênin, từ đó có sự so sánh?’’[5]. Nói xong, ông liền bỏ về. Chính vì sự bất đồng quan điểm như vậy nên khi ông Nguyễn Đình Tứ làm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, ông Tứ có đề cử ông Hiệp làm Phó ban nhưng bị ông Bình và ông Tùng phản đối.

Sau buổi làm nói trên, ông Hiệp tổng hợp lại ý kiến của mọi người và đánh máy thành bản báo cáo. Một bản, ông gửi tới bộ phận thường trực của Hội đồng biên soạn, bản còn lại ông lưu giữ.

Về sau, GS Hiệp tập hợp được 6 tài liệu: bài Góp phần thảo luận quan niệm và phương pháp xây dựng giáo trình quốc gia về Triết học ở Việt Nam, ngày 9-11-1992; 2 báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ngày 9-11-1992 và 20-5-1993; 2 báo cáo thuyết minh đề tài Triết học Mác – Lênin trong thời đại ngày nay; 1 bản Kết luận sơ bộ về hình thái kinh tế xã hội, ngày 15-11-1993. Ông đóng lại thành một quyển, có bìa cứng màu trắng và dùng bút mực xanh ghi lên đó: Đề tài KX.10.01 về Giáo trình triết học.

Ngày 15-11-1993, ban biên soạn giáo trình Triết học và Hội đồng biên soạn đã họp trao đổi thêm vấn đề hình thái kinh tế xã hội trong triết học Mác, theo đó, mọi người thống nhất việc tiếp tục giảng dạy vấn đề này trong Triết học Mác- Lênin. Tối hôm đó, ông Hiệp về nhà đánh máy lại báo cáo về cuộc họp và đặt tiêu đề Kết luận sơ bộ về hình thái kinh tế xã hội, rồi gửi cho Hội đồng biên soạn. Đây là bản cuối cùng trong tập tài liệu của GS Hiệp gồm 6 bài/báo cáo liên quan tới đề tài KX.10.01. Năm 1994, sau khi thống nhất đề cương đề tài KX.10.01, mọi người bắt đầu phân công viết. Năm 1995, đề tài được Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nghiệm thu, tập tài liệu kể trên được ông Hiệp giữ làm kỷ niệm.

 


[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật (nay là Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật), Hà Nội, 1987, tr. 33.

[2] Phỏng vấn GS.TS Dương Phú Hiệp ngày 11-6-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Phỏng vấn GS.TS Dương Phú Hiệp ngày 11-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[4] Phỏng vấn GS.TS Dương Phú Hiệp ngày 11-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[5] Phỏng vấn GS.TS Dương Phú Hiệp ngày 11-6-2015, tài liệu đã dẫn.