Góc học tập của nhà khoa học

Tại góc tái tạo không gian làm việc của các nhà khoa học, xin mời quý vị ngắm nhìn những hiện vật gắn bó một thời với các nhà khoa học:
Bàn làm việc của PGS.TS Lê Đình Anh; Chiếc ghế ngồi của GS Hồ Đắc Di – vị Hiệu trưởng người Việt đầu tiên của trường Đại học Y khoa Hà Nội sau hòa bình lập lại, chiếc điện thoại bàn của PGS Lê Mậu Hãn; quả địa cầu của PGS Trần Đình Gián – nhà địa lý học tiêu biểu của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chiếc đồng hồ – người bạn thân quem của GS.TS Nguyễn Văn Thưởng – nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi.

Chiếc “chạn bát" của GS Đoàn Trọng Truyến, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là ĐH Kinh tế quốc dân) trông thật bình dị nhưng lại chứa đựng câu chuyện ý nghĩa. Thời chiến tranh loạn lạc, vì không có tiền để sắm một chiếc tủ đựng những cuốn sách mà ông đã chắt chiu từng đồng để mua. Ông đã nghĩ ra cách tận dụng chiếc chạn bát cũ kỹ của gia đình để làm “giá sách”. Chiếc chạn bát ấy không những gánh trên mình hàng vạn tri thức, mà còn mang theo ước mơ, ý chí cống hiến của ông với khoa học, với nước nhà.

Mỗi một kỷ vật trong góc tái tạo không gian làm việc đều ẩn chứa sau đó những câu chuyện về tuổi trẻ của các nhà khoa học Việt Nam, trong những giai đoạn khó khăn của đất nước đã khắc phục từng chút, từng chút một, dành trọn niềm đam mê cho học tập và khoa học.