Công trình Dược học

Với công trình Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, được thực hiện từ năm 1945 đến 1965, là thành quả từ sự kiên trì, tự học và tình yêu của ông đối với dược liệu. Công trình đã làm làm rạng danh nền dược học Việt Nam và được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.

Tốt nghiệp bậc Thành chung, Đỗ Tất Lợi được lên Hà Nội. Ngoài giờ học, Đỗ Tất Lợi làm thêm một số việc ở Nhà xuất bản Mai Lĩnh như viết thư giao dịch, biên tập bản thảo, sửa bản in… Chính vì vậy, ông được tiếp xúc với nhiều nhân vật có tiếng như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Phạm Cao Củng… những người có tư tưởng mới và dám lên án xã hội đương thời lúc đó. Hơn thế, ông còn được tiếp xúc với cụ Phó Đức Thành, một thầy thuốc Đông Y uyên thâm đa tài, được nhiều giáo sư đại học đánh giá cao. Chính cụ là người có ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn con đường khoa học của chàng thanh niên Đỗ Tất Lợi.

Tốt nghiệp bậc Tú tài vào năm 1939, Đỗ Tất Lợi quyết định thi vào trường Đại học Y Dược Hà Nội. Trong thời gian học, ông không chỉ hoàn thành xuất sắc chương trình của trường mà còn âm thầm tìm hiểu về y học dân tộc thông qua các tài liệu, sách báo xuất bản công khai, hoặc là thông qua những thầy lang ở khắp mọi con phố, làng quê. Thời bấy giờ y học cổ truyền bị coi là thứ lạc hậu, lỗi thời, nếu công khai học tập sẽ bị bạn bè, thầy giáo công kích, cười chê. Mặc dù thời thế là vậy, nhưng ngay từ thuở sinh viên, ông đã nung nấu ý định sản xuất thuốc từ cây cỏ sẵn có trong thiên nhiên theo phương pháp hiện đại. Và sau này, mơ ước ấy đã được ông thực hiện một cách xuất sắc, phổ biến một cách rộng rãi trong nhân dân.

Năm 1944, Đỗ Tất Lợi lấy bằng Dược sĩ hạng ưu và ra hành nghề. Không giống nhiều hiệu thuốc Tây lấy tên Tây “Pharmacie” lúc bấy giờ, Đỗ Tất Lợi chọn cho hiệu thuốc của mình một cái tên rất Việt, mang đậm bản sắc dân tộc: Hiệu thuốc tây Mai Lĩnh. Có điều gì đáng bàn từ việc đó không? Chắc chắn là có. Năm 1944, một thời điểm rất nhạy cảm, khi chiến tranh thế giới thứ hai bước vào những năm cuối cùng, ở Việt Nam hết thảy đều sôi sục bởi các phong trào yêu nước bí mật, công khai… Tất cả đang chờ thời cơ chín muồi là có thể thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng. Rõ ràng, sống trong hoàn cảnh như vậy, Đỗ Tất Lợi là người hiểu hơn ai hết tình hình thời cuộc. Ông dám và dũng cảm lấy tên hiệu thuốc bằng chữ Quốc ngữ, thể hiện ông là người Việt Nam, một người yêu nước, có bản lĩnh. Điều đó thật đáng trân trọng biết bao!

Ở khía cạnh chuyên môn, Hiệu thuốc Tây Mai Lĩnh không chỉ bán thuốc Tây, mà còn bán một số thuốc được chế biến từ cây cỏ có sẵn trong thiên nhiên. Điều ấy sớm khẳng định quan điểm khác biệt của ông.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông hào hứng tham gia công tác tuyên truyền, phụ trách Phòng Thông tin truyên truyền ở Bồ Hồ và phố Hàng Gai, có cơ hội được trực tiếp làm việc với các trí thức như Hoàng Minh Giám, Nguyễn Tấn Gi Trọng. Như tâm sự của ông sau về tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng đăng trên báo Dân Thanh ngày 31-10-1946: “Chúng ta tin rằng, Cách mạng sẽ tạo ra những nhà Dược học, Y học, vừa tinh thông phương pháp khoa học của phương Tây, vừa am hiểu thuốc Nam, thuốc Bắc, những người có đủ học lực để bảo vệ di sản của tiền nhân… Và một ngày không xa thuốc Đông và thuốc Tây sẽ hòa làm một trong nghề thuốc Việt Nam. Ngày ấy nền Y Dược Việt Nam sẽ rạng ngời thế giới”.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngày 19 tháng 12 thì đến ngày 29 tháng 12 năm 1946, Đỗ Tất Lợi đóng cửa Hiệu thuốc Tây Mai Lĩnh, tham gia kháng chiến. Dược sĩ Đỗ Tất Lợi chủ động tìm gặp bác sĩ Vũ Văn Cẩn (Cục trưởng Cục Quân y) để đề nghị tổ chức bào chế và tự sản xuất thuốc, đảm bảo thuốc cho quân đội và nhân dân. Khoảng thời gian sau đó ông là cán bộ chủ chốt của Viện Khảo sát và Chế tạo dược phẩm (thời gian đầu do dược sĩ Vũ Công Thuyết phụ trách, sau đó dược sĩ Đỗ Tất Lợi phụ trách trong suốt thời kỳ kháng chiến). Ngoài ra ông còn là Giám đốc chuyên môn của Nha Quân dược, thuộc Bộ Quốc phòng. Suốt những năm kháng chiến, nơi núi rừng Việt Bắc, ông đã cùng cán bộ ngành dược vượt qua những khó khăn, hiểm nguy để nghiên cứu và sản xuất một số hóa chất, cất cồn cao độ, cất tinh dầu và một số chất được chiết xuất từ các loại cây trong thiên nhiên, nhằm sử dụng cho cứu chữa thương bệnh binh và nhân dân. Trong các chuyến đi tìm kiếm cây thuốc, trong balô của ông luôn có sổ ghi chép, bút, máy ảnh và một chiếc túi nhỏ. Ở đây chúng tôi xin giới thiệu với quý vị hai chiếc máy ảnh đã gắn bó với GS Đỗ Tất Lợi trong nhiều chuyến đi điền dã. Một chiếc máy ảnh hiệu Kodak và một chiếc hiệu Zenit

Hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), dược sĩ Đỗ Tất Lợi được cử về trường Đại học Y Dược Hà Nội và đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm bộ môn Dược liệu – Thực vật. Bắt tay vào giảng dạy, nhận thấy tên những vị thuốc dùng trong tài liệu cho sinh viên vẫn ghi theo tiếng Pháp và tiếng Latin, ông đã nhanh chóng chuyển đổi toàn bộ sang tên Việt và Latin. Đồng thời với giảng dạy, ông còn dành thời gian nghiên cứu, chiết xuất thuốc chữa tim Neriolin từ lá cây trúc đào, nghiên cứu dùng nha đam chữa lỵ amip thay emetin… Đặc biệt, ông dành phần lớn thời gian và tâm huyết của mình vào việc biên soạn bộ sách Dược liệu học và các vị thuốc Việt Nam (gồm 2 tập, hoàn thành vào năm 1956, 1957), phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy.

Năm 1961, trường Đại học Dược Hà Nội được thành lập, dược sĩ Đỗ Tất Lợi được cử làm Chủ nhiệm bộ môn Dược liệu. Năm 1965, ông hoàn thành bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (gồm 6 tập, tập 1 xuất bản vào năm 1962). Có thể nói công trình đồ sộ nhất đó trong nghiên cứu khoa học dược liệu là sự hiện thực hóa mong ước của ông rằng, một ngày nào đó nền Y Dược Việt Nam sẽ rạng ngời thế giới. Cũng như “Phương pháp Tôn Thất Tùng” về phẫu thuật gan làm chấn động thế giới vào năm 1962, thì với sự khởi đầu của bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, được thế giới biết đến và đánh giá cao, tên tuổi dược sĩ Đỗ Tất Lợi đã làm rạng danh cho nền Dược học Việt Nam.

Trong lời giới thiệu bộ sách xuất bản lần đầu, dược sĩ Vũ Công Thuyết, khi ấy là Thứ trưởng Bộ Y tế viết: Bộ sách đã thể hiện một công trình sưu tầm, nghiên cứu rất công phu, một khối lượng rất lớn trong nhiều năm của tác giả. Nhiều công trình nghiên cứu trong nước, tài liệu nước ngoài đã được khảo sát, chọn lọc, cộng với hơn 20 năm trong nghề của tác giả, một cán bộ có nhiều nhiệt tình và cống hiến trong việc nghiên cứu thuốc Nam. Đánh giá cao về bộ sách, Bộ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nhận xét: Bộ sách rất tốt, rất dễ hiểu, nội dung phong phú, cái hay ở đây là trình bày kinh nghiệm bản thân cùng với kinh nghiệm dân gian và kinh nghiệm nước ngoài. Bộ sách được tái bản 15 lần. Năm 2005, số lượng in bộ sách lên tới 150.000 bản.

Không chỉ có vậy, bộ sách còn gây được sự chú ý đối với các nhà khoa học Xô viết. Trong thư gửi cho Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, một nhà khoa học Liên Xô viết: Một giáo trình xuất sắc về dược liệu học bằng tiếng Việt vừa xuất bản, được các nhà dược học Liên Xô rất chú ý. Đó là một trong số ít sách giáo khoa về cây thuốc vùng Đông Nam Á. Cũng từ đó, họ dành sự quan tâm đặc biệt cho bộ sách này. Năm 1968, sau khi nghiên cứu, thẩm định đánh giá một cách kỹ càng, Hội đồng khoa học Viện Hóa dược Leningrad đã bỏ phiếu thuận 100% phong tặng đặc cách học vị Tiến sĩ cho ông Đỗ Tất Lợi. Đây là lần đầu tiên và duy nhất một hội đồng khoa học đặc cách công nhận và cấp bằng tiến sĩ cho một người mà không cần trải qua quá trình nghiên cứu sinh, viết và bảo vệ luận án. Nó chứng tỏ công trình của ông có giá trị khoa học lớn và khối lượng thông tin mới đồ sộ. Tiếp đó, năm 1983, tại Triển lãm Hội chợ sách quốc tế ở Moskva, bộ sách được bình chọn là một trong 7 viên ngọc quý của triển lãm. Giá trị về nội dung của bộ sách đã mang đến cho ông vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên, năm 1996. Ông cùng với Giáo sư Trương Công Quyền là hai người đầu tiên của ngành Dược được trao tặng giải thưởng cao quý này. Chưa dừng lại ở đó, năm 2006, Hiệp hội Xuất bản Châu Á – Thái Bình Dương (APPA) đã trao giải đặc biệt cho bộ sách.

Không chỉ có bộ sách để đời làm nên tên tuổi, Giáo sư Đỗ Tất Lợi còn viết hàng trăm bài báo khoa học công bố bằng các thứ tiếng Việt, Nga, Pháp, Đức, Rumani… Trong công tác đào tạo, Giáo sư Đỗ Tất Lợi được coi là người thầy mẫu mực, trong sáng, là tấm gương của nhiều thế hệ. Như lời một học trò của ông là Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thanh Kỳ (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội), đã khẳng định: Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi là tấm gương về niềm đam mê dược liệu, là một trong các nhà khoa học Y Dược sớm tin tưởng vào thuốc Nam, tích cực tuyên truyền đề cao nền Y học dân tộc, dành sức nghiên cứu y học cổ truyền để tìm ra điều mà y học hiện đại chưa biết.