Đám cưới của hai nhà khoa học

PGS Lê Văn Sáu (1919-2004), sinh trưởng tại Sóc Trăng. Ông là một trong số các trí thức tu nghiệp tại Pháp, là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp (1952) và đã trở về phục vụ đất nước vào giữa những năm 50 thế kỷ trước. PGS Lê Văn Sáu được nhìn nhận là một trong những người có công đặt nền móng tạo dựng, đồng thời đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1959 và khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975. Ông đã cùng với các đồng nghiệp xây dựng mô hình, chương trình đào tạo, biên soạn hệ thống giáo trình phục vụ công tác giảng dạy và từng bước hoàn thiện chương trình đào tạo giáo viên lịch sử phổ thông trung học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông cũng là người quyết tâm đề xuất và thực hiện đào tạo nghiên cứu sinh trong nước tại khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

PGS Bùi Thị Kim Quỳ – phu nhân của PGS Lê Văn Sáu, sinh năm 1935, trong một gia đình trí thức tại Hà Nội. Từ một nghiên cứu viên ở tổ Triết học, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), với gần 20 năm công tác, Bùi Thị Kim Quỳ đã trưởng thành với các nghiên cứu khoa học về tôn giáo. Sau năm 1975, bà làm việc tại Viện Khoa học xã hội tại miền Nam và được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Giới và gia đình, Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh (1991). PGS Bùi Thị Kim Quỳ đã tranh thủ sự hợp tác quốc tế để tổ chức thực hiện nghiên cứu ứng dụng, mở ra các hội thảo và xây dựng nên những đề án như: Phụ nữ và môi trường xã hội nhân văn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa; Phụ nữ Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế…

Một lễ cưới giản dị, ấm cúng được diễn ra vào năm 1959 tại Hà Nội là kết quả của tình yêu đơm hoa kết trái giữa thầy giáo trẻ Lê Văn Sáu – lúc đó mới từ Pháp về nước vài năm và hoạt động giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội và cô nữ sinh khóa I trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa tốt nghiệp đại học. Vì quê nhà trai xa xôi tận Sóc Trăng, nên đại diện nhà trai lúc bấy giờ là các đồng nghiệp của thầy giáo Lê Văn Sáu ở Hà Nội, và đông đảo họ hàng nhà gái – vốn là một gia đình có tiếng ở Hà Nội, ông chủ hiệu thuốc tây nổi tiếng Bùi Bá Khánh. Trong ảnh, cô dâu chú rể mặc trang phục cách tân.

Trong cuộc sống gia đình, PGS Lê Văn Sáu là người chồng, người cha mẫu mực nhân từ, luôn chia sẻ giúp đỡ vợ trong công tác, chăm lo con cái học tập. Những ngày chiến tranh gian khổ, hai vợ chồng sơ tán theo cơ quan, 2 người 2 nơi, hàng tuần anh đạp xe đạp 80 cây số để tiếp tế nhu yếu phẩm cho 3 mẹ con rồi thường phải đạp xe trong đêm để kịp quay về trường lên lớp giảng dạy. Trong hoạt động khoa học, hai người cùng trở về góp phần xây dựng nền khoa học xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh sau 1975.