Giấy chứng nhận tri ân tấm lòng vàng

GS.TSKH Phan Thị Phi Phi từng là Giám đốc Bệnh viện 1 của liên khu V ở vùng rừng núi thuộc huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam gần 7 năm (1966-1972). Sau 4 lần sẩy thai, bà mới hiểu ra rằng mình đã mất đi khả năng sinh thêm con, nhưng chưa hề biết đó là hệ quả của việc bà bị nhiễm chất độc da cam dioxin từ khi còn ở chiến trường. Những năm 1980, bà cùng đồng nghiệp tại bộ môn Sinh lý bệnh – Miễn dịch, trường ĐH Y HN bắt đầu nghiên cứu tác hại của chất độc da cam dioxin lên hệ miễn dịch con người. Bên cạnh đó, bà còn cộng tác với các nhà khoa học khác mà người đứng đầu là GS Lê Cao Đài để tiến hành nghiên cứu và đấu tranh vì nạn nhân da cam.

Song song với việc đọc tài liệu trong và ngoài nước viết về vấn đề dioxin, bà và đồng nghiệp còn đi đến những vùng Mỹ từng rải dioxin gặp trực tiếp các nạn nhân da cam để lấy mẫu về xét nghiệm, tìm những bằng chứng cụ thể chứng minh tác hại của dioxin lên con người.

Bằng hàng chục báo cáo khoa học tại các hội thảo trong và ngoài nước, bà đã góp phần giúp nhiều người hiểu rằng chất độc da cam dioxin làm giảm miễn dịch con người, là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật. Đó cũng là cơ sở để năm 2004, bà là 1 trong số các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đệ đơn kiện lên tòa án Mỹ. Bà cho rằng, thắng lợi lớn nhất của việc tranh tụng đó là việc nhiều người và tổ chức quốc tế quan tâm, giúp đỡ nạn nhân da cam ở Việt Nam.

Ngoài ra, từ những năm 90, hàng năm GS Phan Thị Phi Phi thường về thăm bà con ở nơi Bệnh viện 1, liên khu V từng đóng quân. Trở lại nơi xưa, gặp những người lớn tuổi, ai cũng nhớ và nhắc đến bệnh viện bà Phi. Khi biết bà chính là BS Phi năm xưa, ai cũng vui mừng. Những chuyến đi ấy, bà đều tặng quà cho các gia đình là nạn nhân chất độc da cam. Đến năm 2011, sau một thời gian suy nghĩ, bà tự hỏi: Tại sao mình không giúp đỡ người dân quê hương (Quảng Ngãi)? Rồi bà quyết định vận động một số bạn bè, học trò thân thiết là cán bộ y tế, xây dựng, nhà giáo, nhà văn ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn để quyên góp tiền, thành lập "nhóm hảo tâm ở TP Hà Nội". Mỗi năm 1 lần vào ngày vì nạn nhân da cam (ngày 12 tháng 8), bà và đại diện nhóm (PGS.TS Bùi Vạn Trân, ông Trương Xuân Ngọc…) lại về Quảng Ngãi tặng trâu, bò và học bổng cho bà con là nạn nhân da cam. Mỗi đợt tặng 6 con bò trị giá 12 triệu đồng, số tiền còn lại chia thành nhiều suất học bổng, mỗi suất từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Riêng GS Phi Phi thường ủng hộ số tiền từ 10 đến hơn 30 triệu đồng. Bà cho biết, có khi do thiếu tiền mua bò hoặc học bổng như dự tính, các thành viên trong đoàn mỗi người lại góp thêm mấy triệu đồng. Cũng có năm, nhóm chỉ quyên đủ 5 con bò thì Hội Nạn nhân chất độc da cam Dioxin tỉnh Quảng Ngãi đã quyên góp thêm cho đủ số lượng 6 con.

Đáp lại tấm lòng của GS Phan Thị Phi Phi và nhóm hảo tâm, hàng năm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Quảng Ngãi đều gửi giấy cảm ơn đến từng thành viên và cả nhóm, trong đó ghi rõ số tiền đóng góp của cá nhân hoặc cả nhóm.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch covid, số tiền quyên góp bị giảm. Một số người chỉ ủng hộ được 1-3 triệu. Riêng GS Phi Phi vẫn ủng hộ 20 triệu đồng, ông Trương Xuân Ngọc cũng ủng hộ 20 triệu đồng, PGS.TS Bùi Vạn Trân quyên góp được 15 triệu đồng. Do vậy, chỉ đủ mua 6 con bò và tặng 12 suất học bổng. Ban đầu, GS Phi Phi dự định ngày 10 tháng 8 sẽ đi tặng bò, còn ngày 11 tháng 8 thì trao học bổng. Tuy nhiên, thời gian ấy phải thực hiện giãn cách xã hội do tình hình dịch covid diễn biến phức tạp, nên chuyến đi bị hoãn lại đến tháng 10. Bà cho biết, các chuyến đi ấy, thành viên của nhóm đều tự túc tiền máy bay và ăn ở.

Tính đến nay, GS Phan Thị Phi Phi đã ủng hộ nạn nhân da cam số tiền hơn 200 triệu đồng. Bà sẽ còn tiếp tục làm công việc này cho đến cuối đời, bà chỉ dừng khi không thể đi được nữa.